Hơn 51% phụ nữ mãn kinh không còn sinh hoạt tình dục

Anh Đào
28/06/2023 - 17:11
Hơn 51% phụ nữ mãn kinh không còn sinh hoạt tình dục

Phụ nữ thời kỳ mãn kinh phải đối diện với rất nhiều vấn đề khó nói về sức khỏe. (Ảnh minh hoạ)

Có đến hơn 51% phụ nữ mãn kinh không còn sinh hoạt tình dục. Không chỉ vậy, có khoảng 60-70% phụ nữ ở độ tuổi này mắc các hội chứng như tiểu đêm, són tiểu gắng sức, khô âm đạo, khó khăn trong đời sống sinh hoạt vợ chồng.

Những con số trên là kết quả nghiên cứu về tỷ lệ và một số yếu tố liên quan đến rối loạn niệu dục ở phụ nữ mãn kinh tại Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng trong thời gian từ tháng 3 năm 2021 đến tháng 3 năm 2023. Đối tượng trong nghiên cứu là những phụ nữ đã mãn kinh tự nhiên, không sử dụng bất kỳ liệu pháp nội tiết nào.

Theo đó, mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên của tiến trình lão hoá, đánh dấu sự chấm dứt chức năng hoạt động của buồng trứng. Bước vào tuổi mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ cao đối với bệnh tật do thiếu hụt estrogen gây nên, làm cho chất lượng sống và hiệu quả lao động của xã hội bị ảnh hưởng. Với tuổi thọ trung bình của phụ nữ ngày càng tăng, tuổi thọ trung bình hiện nay là 80 và tuổi mãn kinh trung bình là 51. 

Ở Việt Nam, với quy mô dân số 96,2 triệu người vào năm 2019, trong đó dân số nữ vượt ngưỡng 48,3 triệu người và tuổi thọ của nữ là 76,3 tuổi, một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ đã và đang vào mãn kinh cần được chăm sóc sức khỏe.

Phụ nữ mãn kinh phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật

Kết quả nghiên cứu trên hơn 300 phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng cho thấy số người mắc chứng tiểu đêm chiếm gần 72%, són tiểu gắng sức hơn 60%, âm đạo khô chiếm gần 70%, cảm giác bỏng rát âm đạo 47%, giao hợp đau 36,1%, âm đạo xung huyết dạng mảng/chấm 19,7%, không còn sinh hoạt tình dục 51,4%, sinh hoạt tình dục giảm 48%.

Nghiên cứu đã chỉ ra, rối loạn niệu dục chiếm tỷ lệ cao, có mối liên quan giữa rối loạn niệu dục với pH âm đạo và thời gian mãn kinh, trong khi đó độ pH lại phụ thuộc vào nồng độ Estrogen trong cơ thể. Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì biểu mô của bàng quang và niệu đạo, có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nước tiểu. Thiếu hụt estrogen làm thay đổi hầu hết về giải phẫu, tế bào, vi trùng và sinh lý ở hệ niệu sinh dục sau mãn kinh. 

Tình trạng tiểu đêm, són tiểu gắng sức, són tiểu thường xuyên có khuynh hướng tăng dần theo thời gian. Sau mãn kinh, estrogen giảm dần, thiếu estrogen có thể gây ra những rối loạn tiểu tiện có kiểm soát do làm tăng viêm teo bàng quang. Vì vậy phụ nữ sau mãn kinh có thể xuất hiện các triệu chứng tiểu đêm, tiểu gấp, són tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ.

Không chỉ vậy, thiếu hụt estrogen ở phụ nữ mãn kinh làm làm tăng nồng độ của pH âm đạo, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu và viêm âm đạo.

Hơn 51% phụ nữ mãn kinh không còn sinh hoạt tình dục - Ảnh 1.

Các rối loạn ở giai đoạn mãn kinh đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ.(Ảnh minh hoạ)

Đời sống tình dục bị giảm sút

Nghiên cứu còn nhận ra, tình trạng âm đạo khô, âm đạo có xung huyết dạng mảng/chấm, không còn sinh hoạt tình dục, cảm giác bỏng rát âm đạo cũng có khuynh hướng tăng dần theo thời gian mãn kinh. Điều này được giải thích rằng sau mãn kinh, thiếu hụt estrogen là nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi trong lớp biểu mô âm đạo, đặc biệt thời gian mãn kinh càng lâu thì nồng độ estrogen càng giảm rõ rệt. Thiếu kích thích của estrogen làm cho các mô ở thành âm đạo giảm tính đàn hồi, vách âm đạo trở nên khô, mỏng và nhợt nhạt, nếp âm đạo biến mất, niêm mạc bị teo mỏng khiến lòng âm đạo hẹp. 

Vì vậy dẫn đến khô âm đạo và âm đạo dễ bị tổn thương cũng như nhiễm trùng, khiến quan hệ tình dục đau, ham muốn tình dục thấp và giảm sự thỏa mãn tình dục. Do vậy, lượng chị em ở độ tuổi mãn kinh không còn sinh hoạt tình dục hoặc ngại sinh hoạt tình dục chiếm tỉ lệ rất lớn.

Hơn 51% phụ nữ mãn kinh không còn sinh hoạt tình dục - Ảnh 2.

Các dưỡng chất phụ nữ mãn kinh nên bổ sung trong chế độ ăn (Ảnh minh hoạ)

Để đối diện và có chất lượng cuộc sống tốt ở giai đoạn mãn kinh, phụ nữ cần thực hiện dinh dưỡng tốt ngay khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh như ăn uống đầy đủ, cân đối các chất. Cần ăn nhiều rau quả, đặc biệt là các sản phẩm từ đậu nành hoặc cỏ linh lăng (vì có chứa nội tiết tố estrogen tự nhiên). Sử dụng các thức ăn có nhiều canxi, vitamin D như sữa không béo, thủy hải sản (cá, tôm, cua,…). Bổ sung axit béo có trong các loại quả, hạt và dầu cá giúp tránh được tình trạng khô âm đạo và chứng nhiễm trùng đường tiểu, làm tăng thêm sự hưng phấn về mặt tinh thần và năng lượng sống cho cơ thể.

Không chỉ vậy, phụ nữ tuổi mãn kinh cần thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, thư giãn thích hợp để giúp tinh thần được thư thái, bình ổn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm