Hơn 68.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

27/07/2018 - 12:57
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ đầu năm nay đến hết tháng 6, cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 19,47%. Trong đó, các cơ quan chức năng đã xử lý 15.707 cơ sở (chiếm 22,98% số cơ sở vi phạm).

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên hành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong số các cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền hơn 35 tỷ đồng.

_b6p9154.jpg
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (đứng), tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến khá phức tạp

 

Ngoài các hình thức xử phạt chính, các đoàn kiểm tra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; yêu cầu 330 cơ sở có nhãn phải khắc phục; tiêu hủy sản phẩm của 2.822 cơ sở; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không bảo đảm an toàn.

Các vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra là: Vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, về trang thiết bị dụng cụ; về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không bảo đảm chất lượng; sản xuất kinh doanh thực phẩm không công bố theo quy định.

Cũng theo Thứ trưởng Long, tính đến 30/6, toàn quốc ghi nhận 53 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.301 người mắc, 1.079 người đi viện và 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 27 vụ, số mắc giảm 446 người (35,3%), số đi viện giảm 579 người (34,9%), số tử vong giảm 6 người (35,3%).

img_3048.JPG
Đại diện Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể BV Đa khoa Đông Anh ngày 26/7/2018

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo liên hành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm, ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Bên cạnh đó, tử vong do ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên còn chiếm tỷ lệ cao. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng không đăng ký bản công bố, bán hàng online quảng cáo, tư vấn lừa dối người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm; tăng cường trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh tập thể. Bộ Y tế sẽ sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về Aan toàn thực phẩm để có thêm cơ sở pháp lý xử lý mạnh tay những hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm