pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 7.100 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình
Cán bộ Hội các cấp tỉnh Hòa Bình tham gia cuộc thi
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 (sau đây gọi tắt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2022 và có hiệu lực từ 01/7/2023.
Nhằm tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tới cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ cả nước, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai và phát động các cấp Hội trong cả nước tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022" trên Cổng Thông tin điện tử của Hội LHPN Việt Nam và Fanpage của Hội. Hội cũng là tổ chức chính trị - xã hội đầu tiên triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022" được triển khai thực hiện theo tuần, kéo dài trong 6 tuần, bắt đầu từ 0h00 ngày 10/7 đến hết 23h59 ngày 18/8/2023. Tổng kết cuộc thi, đã có gần 184.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia cuộc thi, trong đó có hơn 7.100 người dân tộc thiểu số. Lào Cai là tỉnh có số lượng người dân tộc thiểu số tham gia thi nhiều nhất với 844 người.
Thông qua cuộc thi, cán bộ, hội viên, phụ nữ có cơ hội được cọ xát nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, về quyền, trách nhiệm của cá nhân và các tổ chức liên quan trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng như nâng cao kỹ năng sử dụng khoa học công nghệ cho chị em. Sức lan tỏa rộng khắp của cuộc thi tới 63 tỉnh/thành Hội và các cấp Hội địa phương đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của cuộc thi đối với chị em.
Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022" đã trở thành một sân chơi thiết thực, bổ ích với cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ cả nước nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của chị em đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ tôn giáo cũng tích cực hưởng ứng cuộc thi. Hơn nữa, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm, động viên, khích lệ của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương.
Thành công của cuộc thi đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện giữa các cấp Hội, sự khích lệ, động viên, hướng dẫn của cán bộ Hội và sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ, hội viên và phụ nữ cả nước.
Ban Tổ chức công bố giải chung cuộc của Cuộc thi như sau:
- Giải Đặc biệt: Thí sinh Nguyễn Thị Tuyết, hội viên Hội LHPN xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (giải Nhất cuộc thi tuần 3) với việc dự đoán số lượng người tham gia thi đúng nhất và thời gian làm bài nhanh nhất trong các tuần.
- Giải Hội LHPN tỉnh/thành có đông người dân tộc thiểu số tham gia nhất: Hội LHPN tỉnh Lào Cai.
- Giải thí sinh trẻ nhất tham gia cuộc thi: Nguyễn Hồng Hải, 18 tuổi, hội viên, Hội LHPN phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
- Giải thí sinh cao tuổi nhất tham gia cuộc thi: Nguyễn Thị Bảo, 78 tuổi, hội viên Hội LHPN phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh.
Song song với cuộc thi trực tuyến này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức thành công 2 Hội thi "Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022" bằng hình thức trực tiếp khu vực miền Trung và khu vực phía Nam; chuẩn bị tổ chức Hội thi tại khu vực phía Bắc tại tỉnh Lạng Sơn, dự kiến trong 9/2023.
Cán bộ, hội viên, phụ nữ Hà Nội tham gia Cuộc thi