HTX thành công với cây chanh không hạt

05/10/2016 - 18:00
Với quyết tâm đầu tư phát triển kinh tế từ cây chanh không hạt, ông Nguyễn Văn Chiến đã khẳng định sự thành công, hiện nay ông là Chủ nhiệm Hợp tác xã Thạnh Phước, với 84 xã viên, thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm.

Hợp tác xã Thạnh Phước ở ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, được thành lập ngày 13/12/1999 tiền thân là Câu lạc bộ khuyến nông, sản xuất cây, con giống các loại như: cam, quýt, bưởi, heo.

Hợp tác xã (HTX) được thành lập với 16 thành viên, vốn điều lệ 20 triệu đồng, mỗi xã viên đóng góp từ 600 ngàn đồng trở lên, diện tích đất canh tác 17 ha đất vườn, chủ yếu trồng chanh không hạt.

Khi mới thành lập, sản xuất còn manh mún, sản phẩm làm ra ít nên HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, chăm sóc cây giống, đặt biệt là khó khăn về đầu ra, do cây chanh không hạt còn rất mới với bà con cũng như với thương lái thu mua. HTX đi đàm phán nhưng không có đối tác nào chịu ký hợp đồng vì sản phẩm làm ra không đáp ứng được đơn hàng.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Chiến (Hai Chiến), Chủ nhiệm HTX về việc chọn cây chanh để phát triển, ông cho biết: “Cây chanh là giống mới, hiệu quả cao, thị trường đầu ra ổn định, so với chanh tàu, chanh giấy, thì đầu tư chanh không hạt năng suất cao, thị trường cần nên tôi quyết định đầu tư”.

Lúc đầu còn gặp nhiều khó khăn nhất định, ông động viên các xã viên cố gắng, kiên trì đầu tư, mở rộng sản xuất để cung ứng đủ đơn đặt hàng, đảm bảo đầu ra ổn định, ông tham gia các lớp tập huấn của Liên minh HTX, của Phòng Nông nghiệp, đi học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh để nắm vững kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây.

Khi gặp khó khăn về kinh tế đa số các xã viên dùng vốn tự có của mình, còn các ngành chức năng chỉ hỗ trợ kiến thức và hỗ trợ mô hình Vietgrap. 

HTX ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm chanh không hạt cho xã viên, ngoài ra còn bao tiêu cho các hộ nông dân trên địa bàn lân cận. Theo ông Hai Chiến những năm đầu khi thành lập, HTX có 11/16 hộ xã viên thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bình quân từ các dịch vụ của hợp tác xã chỉ đạt từ 7 đến 8 triệu đồng/xã viên/năm (năm 2004).

Với quyết tâm xóa nghèo, HTX đã tạo mọi điều kiện cho xã viên thoát nghèo như: bán cây giống thiếu cho đến khi thu hoạch mới trả tiền; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tạo việc làm thường xuyên…Nhờ đó nhiều hộ xã viên nhanh chóng nâng cao thu nhập. Đến năm 2009 HTX không còn hội viên nghèo, hiện nay đa số hộ xã viên trong HTX đều là hộ khá giàu, thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

image001.png

Ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ nhiệm HTX Thạnh Phước, ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

Trong quá trình hoạt động, hợp tác xã còn hỗ trợ cho các hộ nông dân nghèo trong ấp phát triển sản xuất, đầu tư mô hình trồng chanh không hạt cho xã Đông Phước với số lượng 1.700 cây, hỗ trợ một số HTX khác trong huyện về giống chanh không hạt, ổi không hạt, đến khi cho trái mới thu hồi vốn.

Theo Chủ nhiệm Hai Chiến, lúc đầu áp dụng các chương trình mới cũng gặp một số khó khăn, do bà con quen với lối sản xuất truyền thống nên khi chuyển sang áp dụng các quy trình rất nghiêm ngặt nhiều hộ có cảm giác bị gò bó. Vì bên cạnh việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nhà vườn còn phải ghi nhật ký việc bón phân, thuốc, nhưng với biện pháp “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần mọi người cũng thích nghi với quy trình mới.

Sau 17 năm hoạt động, Hợp tác xã Thạnh Phước đã trở thành địa chỉ tin cậy của xã viên và thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia vào HTX, hiện có 84 xã viên, mở rộng diện tích canh tác lên đến 100 ha trồng chanh không hạt.

Với cách làm năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hợp tác xã Thạnh Phước hoạt động ngày càng mang lại hiệu quả. Ông Hai Chiến cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất”.

Về cây chanh không hạt, đối với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành, trao đổi với anh Trần Hồng Đức – Phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành được anh cho biết: “Đối với chanh không hạt luôn được quan tâm đầu tư, hiện nay trong toàn huyện có 5 HTX, tổ hợp tác và chúng tôi đang thực hiện quy hoạch nông nghiệp, khu trồng chanh ở xã Phú An và Đông Thạnh với 1.290 ha”.

Trong thời gian tới với sự quy hoạch có định hướng, cây chanh sẽ có đầu ra ổn định, thu nhập của bà con xã viên sẽ ngày càng cao hơn, tạo niềm tin vững chắc vào sự đầu tư đúng hướng. 

chanh-1.png
 Nông dân đang lựa chanh chuẩn bị bán cho thương lái

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm