Hưng Yên: Phụ nữ A Sào phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp xanh bền vững

Bài, ảnh: N.Minh
23/07/2025 - 23:07
Hưng Yên: Phụ nữ A Sào phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp xanh bền vững

Chị Vân Anh thu hoạch hoa hẹ bán cho các nhà hàng

Ở xã A Sào (tỉnh Hưng Yên), trong khi nhiều phụ nữ chọn đi làm ở các công ty để có thu nhập ổn định thì vẫn có không ít người chọn công việc vất vả nhưng ý nghĩa: Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp xanh bền vững.

Biến thử thách thành cơ hội

Chúng tôi đến thôn Đồng Tâm đúng lúc chị Nguyễn Thị Vân Anh đang thoăn thoắt thu hoạch hoa hẹ. Trong lúc trò chuyện, điện thoại của chị liên tục đổ chuông, là những cuộc gọi từ khách hàng. Chị Vân Anh chia sẻ, hoa hẹ có đầu ra rất tốt và ổn định, thậm chí không đủ hàng để bán. Hiện tại, chị đang canh tác 7 sào hẹ, cứ hai ngày thu hoạch một lần, mỗi lần hơn 20kg hoa hẹ, với giá bán từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg.

Ít ai biết rằng, để có được thành quả hôm nay, chị Vân Anh đã trải qua không ít gian truân. Năm 2020, chị cùng chồng mở Hợp tác xã Nông sản, dược liệu. Dồn hết số tiền tích lũy, cộng với tiền vay ngân hàng chính sách từ hộ nghèo là 90 triệu đồng, chị mạnh dạn trồng 2 ha cây ngưu tất.

Tuy nhiên, do cây ngưu tất không hợp thổ nhưỡng khiến chị thất bại và mất trắng 100 triệu đồng đầu tư. Trước tình hình đó, chị thu hẹp diện tích trồng cây ngưu tất và chuyển sang trồng cây bạc hà và hoa cúc.

Chưa kịp mừng vì "đầu ra" của bạc hà và hoa cúc khá ổn định thì bão Yagi ập đến, nhấn chìm mấy ha cây trồng của chị trong nước lũ. Nhìn toàn bộ tiền bạc, mồ hôi, công sức và tâm huyết bị cuốn trôi, chị Vân Anh bật khóc.

Hưng Yên: Phụ nữ A Sào phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp xanh bền vững- Ảnh 1.

Chị Vân Anh (thứ 3 từ trái sang) và các cán bộ Hội LHPN xã A Sào

Nhiều người khuyên chị nên chuyển sang làm công nhân để có thu nhập ổn định và đỡ vất vả. Thế nhưng, với tình yêu dành cho cây trồng và sự tiếc nuối khi nhìn thấy đất ven sông màu mỡ bị bỏ không, chị Vân Anh quyết không bỏ cuộc.

Chị bắt đầu lại từ con số âm và kiên trì theo đuổi công việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" này. Hiện tại, do vốn còn hạn chế, chị chỉ tập trung trồng 7 sào hẹ, mỗi tháng thu hoạch từ 4 đến 6 tạ. Nhờ sản phẩm chất lượng tốt, chị luôn có lượng khách hàng ổn định. Chị cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng và đa dạng hóa các loại cây trồng như hoa cúc, bạc hà để tăng thêm thu nhập.

Cũng tại thôn Đồng Tâm, chị Ngô Thị Thi đang bước sang năm thứ ba với mô hình trồng bèo hoa dâu làm dược liệu trên diện tích ruộng thuê, mượn của người dân trong xã. Nhận thấy cấy lúa kém hiệu quả, chị Thi chỉ cấy vụ xuân, thời gian còn lại trong năm chị thả bèo hoa dâu. Từ 2 mẫu ban đầu, năm thứ hai chị mở rộng lên 5 mẫu và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng khi đã nắm chắc kỹ thuật và đầu ra ổn định.

Chị Thi chia sẻ, bèo hoa dâu rất dễ thả, phù hợp với thời tiết lạnh của miền Bắc. Sau khi thu hoạch lúa xuân, chị rắc vôi bột cải tạo ruộng để thả bèo. Cây bèo phát triển nhanh, có thể thu hoạch sau 10 - 15 ngày tùy mật độ.

Để bèo hoa dâu đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, người trồng cần nắm vững kỹ thuật trồng, phòng bệnh và thu hoạch đúng lứa. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, bèo phải được phơi khô để tránh bị thâm đen, ảnh hưởng đến chất lượng. Mỗi vụ (khoảng 6 - 7 tháng), một mẫu bèo có thể thu được 2 - 3 tấn bèo khô, trị giá 30 - 40 triệu đồng, thậm chí có thể thu nhiều hơn nếu canh tác tốt.

Hưng Yên: Phụ nữ A Sào phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp xanh bền vững- Ảnh 2.

Chị Ngô Thị Thi chăm sóc ruộng bèo hoa dâu

Một điểm đặc biệt của cây bèo hoa dâu là khả năng cải tạo đất tốt. Sau khi thu hoạch bèo, ruộng lúa không cần bón thêm phân, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Mặc dù việc trồng bèo hoa dâu vất vả hơn trồng lúa do phải lội ruộng suốt ngày, nhưng mang lại thu nhập tốt hơn.

Chị Thi cho biết, trồng bèo hoa dâu là một phương pháp nông nghiệp bền vững được Nhà nước khuyến khích, giúp giảm phát thải phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí trong tương lai, cho thu nhập tốt nên chị sẽ gắn bó và sẽ mở rộng diện tích trồng.

Khuyến khích phát triển kinh tế tại quê hương

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã A Sào, cho biết, Hội LHPN xã đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Hội cũng là cầu nối tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phụ nữ và nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất. Từ những kiến thức được trang bị, hội viên phụ nữ đã áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhiều chị em trong xã năng động, sáng tạo, mạnh dạn khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho gần nghìn lao động trong và ngoài xã, đặc biệt là lao động nữ, những người cao tuổi không có khả năng làm việc nặng và lao động xa.

Những hoạt động hỗ trợ của Hội LHPN xã A Sào không chỉ giúp hội viên phụ nữ có thêm sinh kế, phát triển kinh tế ngay tại quê hương, mà còn khuyến khích họ vươn lên làm giàu chính đáng. Điều này đóng góp trực tiếp vào việc đạt được các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chị Huyền khẳng định, khi kinh tế phát triển và có kỹ năng sống, phụ nữ sẽ nâng cao được vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm