pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hướng dẫn công tác phòng, chống bạo lực gia đình và vận hành "Địa chỉ tin cậy" bền vững
Học viên hưởng ứng chung tay phòng, chống bạo lực gia đình
Trong những năm qua, nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán người, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... có thể đến để tạm lánh trong tình huống đặc biệt, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, xây dựng 1.274 mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại 185 cơ sở.
Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 8, các cấp hội thuộc địa bàn Dự án 8 đã tiếp tục củng cố, xây dựng mới các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Với tinh thần sẻ chia, gần gũi, giúp đỡ và bảo vệ các nạn nhân bị bạo lực gia đình, các thành viên ban quản lý địa chỉ tin cậy đã kịp thời bênh vực, giúp đỡ các trường hợp phụ nữ, trẻ em đối tượng yếu thế bị bạo hành, xâm hại; tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, bất hòa trong hôn nhân gia đình cũng như các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội ở địa phương. Đồng thời phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động và nắm bắt tình hình, tư tưởng của người dân địa phương để kịp thời có hướng chủ động phòng ngừa, khắc phục sớm các vụ việc dẫn đến phát sinh bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội và các vấn đề mà pháp luật nghiêm cấm, góp phần đảm bảo tình hình trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được tiếp thu các kiến thức về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng vận hành địa chỉ tin cậy, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; kỹ năng nhận diện bạo lực gia đình, kỹ năng tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ, ổn định tâm lý cho người bị bạo lực; vai trò của các cấp Hội LHPN và các ban, ngành, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, triển khai thực hiện và duy trì hoạt động có hiệu quả của mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng...
Cũng tại buổi tập huấn, các đại biểu đã chia sẻ nhiều tình huống xảy ra trong thực tế vận hành địa chỉ tin cậy ở cơ sở: Bạo lực gia đình giữa vợ và chồng ảnh hưởng trực tiếp tới người vợ, bạo lực gia đình giữa bố và mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến các con và các thành viên trong gia đình… Đồng thời, Người vận hành địa chỉ tin cậy đã chia sẻ một số kinh nghiệm, giải quyết, xử lý tình huống và phương pháp hòa giải. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của từng thành viên Ban điều hành trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng gây bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành vi; hỗ trợ, hướng dẫn nạn nhân nâng cao kiến thức, kỹ năng, giúp phụ nữ, trẻ em yếu thế tự tin, từng bước khẳng định vai trò của mình trong gia đình.
Thông qua lớp tập huấn, học viên hiểu được bạo lực gia đình là tội ác, là vi phạm pháp luật; luôn lấy người bị bạo lực làm trung tâm, công tác phòng ngừa là chính. Xác định vai trò cấp ủy chính, quyền địa phương, các đoàn thể trong tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, gắn công tác phòng, chống bạo lực kết hợp với hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình… góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ tại địa phương trong xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy, trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, công tác phối hợp, hỗ trợ tích cực cho phụ nữ khi bị bạo lực gia đình, vận hành hiệu quả địa chỉ tin cậy cộng đồng tại cơ sở; thực hiện tốt hơn công tác về bình đẳng giới, thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.