Chị Nguyễn Thu Th. (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Sau khi sinh 2 con, bụng mình rất to. Thỉnh thoảng gặp người quen lâu này không gặp, họ lại hỏi thăm mình đang có em bé nữa à, khiến mình rất ngại ngùng". Do mặc cảm vì vùng bụng quá to, chị Th. đã tìm đến một thẩm mỹ viện có tiếng ở Hà Nội để hút mỡ bụng. Nhưng trái với mong muốn của chị, sau khi tiến hành hút mỡ bụng, phần bụng của chị Th. đã bị hoại tử. Chị lại tiếp tục quay trở lại thẩm mỹ viện trên để xử lí. Các bác sĩ ở đây đã mổ cắt lọc tổ chức hoại tử và khâu đóng vết thương tại chỗ nhưng vẫn để lại những vết khâu chằng chịt.
TS Nguyễn Huy Cảnh - Phụ trách Phó Chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khi xem vết khâu của bệnh nhân Th., bác sĩ Cảnh cũng phải “kinh ngạc” với trình độ khâu của bác sĩ. Là người làm chuyên môn lâu năm, TS Cảnh khẳng định, vết khâu này không thể nào do tay một bác sĩ lâu năm khâu được. Có thể do y tá hoặc những người không được đào tạo bài bản.
Chị Th. sau đó đã phải thay băng, để vết thương liền sẹo, tổ chức phần mềm thành bụng ổn định sau đó mới có thể can thiệp được, còn để sửa chữa với những vết sẹo chằng chịt như trên thì rất khó khăn.
Trường hợp của chị Th. trên chỉ là 1 trong hàng trăm ca tai biến do hút mỡ bụng ở các cơ sở không đảm bảo, đặc biệt có cả những spa cũng tham gia hút mỡ mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã gặp phải.
Theo bác sĩ Cảnh, trường hợp hoại tử do hút mỡ và tạo hình thành bụng chủ yếu xuất phát từ việc làm sai kỹ thuật (hút mỡ sai vị trí, hút quá nông hoặc quá sâu) gây tổn thương đến các mạng mạch nuôi vùng da bụng. Hút mỡ không phải muốn hút bao nhiêu là được vì quá trình làm có thể gây tổn thương mạch máu, khi hút mỡ sẽ có lẫn máu. Hay bơm lượng dịch làm tan mỡ thì dịch của tế bào cũng sẽ vào đó và bị hút ra.
Khi nào thì chỉ định hút mỡ bụng?
Theo bác sĩ Cảnh, hút mỡ và tạo hình thành bụng thường được chỉ định cho những người có chùng da, thành bụng bị xổ và tích nhiều mỡ, khi đứng lớp da và mỡ này xệ xuống làm cho người trong cuộc khó chịu, nặng nề, thậm chí bi quan, chán nản. Ngoài ra, tình trạng xổ bụng, giãn thành bụng gây mất cân đối cũng hay gặp ở những phụ nữ sau sinh con da và cân cơ thành bụng co hồi.
Giống như bất cứ thủ thuật nào trên cơ thể, hút mỡ bụng cũng có thể gây biến chứng, nó có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu xảy ra các sai sót hay lỗi kỹ thuật… Ngoài ra, nguy cơ như yếu tố đông máu, nhiễm trùng, mất nước quá nhiều dẫn đến sốc, tắc phổi do các giọt mỡ đi vào hệ tuần hoàn, có thể gây tổn thương các cơ quan trong ổ bụng nếu không kiểm soát tốt khi thuật và dụng cụ hút mỡ.
Hút mỡ bao nhiêu là vừa đủ?
Bác sĩ Cảnh cho biết thêm, không nên hút mỡ quá 4-5% trọng lượng cơ thể. Mỡ là nơi dự trữ năng lượng, hút nhiều quá có thể gây ra rối loạn chuyển hóa của cơ thể. Nếu hút khoảng 1,5 lít trở xuống, các chỉ số sinh hóa không thay đổi. Hút trên 3 lít chắc chắn sẽ ảnh hưởng.
Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện tiểu phẫu gây tê tại chỗ. Riêng các "đại phẫu" như: Nâng ngực thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; các thủ thuật bơm và hút mỡ cơ thể... chỉ các bệnh viện được cấp phép mới đủ điều kiện thực hiện. Tuy nhiên thực tế hiện nay còn rất nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện cũng thực hiện hút mỡ bụng, điều này rất nguy hiểm. TS Cảnh khuyến cáo chị em phụ nữ nếu thực sự muốn làm đẹp cần tìm hiểu thật kỹ tránh tiền mất, tật mang. Đặc biệt, khi "sửa chữa" nhưng biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ, người bệnh phải biết rằng rất khó và để trở về như cũ cũng khó chưa nói là đẹp. Vì thế, chị em cần tìm hiểu các thông tin và lựa chọn các cơ sở đủ điều kiện để tránh nhiễm trùng, an toàn cho mình. |