Hút thuốc lá điện tử gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên

Bài và ảnh: An Khê
23/11/2023 - 15:25
Hút thuốc lá điện tử gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên

Ảnh minh họa

Ngày 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá.

Theo ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.

Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 nghìn đến 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Hút thuốc lá điện tử gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên- Ảnh 1.

ThS Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tại hội nghị

Theo thống kê của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, đối với lứa tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá có giảm từ 3,5% năm 2014, xuống 2,7% năm 2022, trong đó nam giới giảm từ 6,3%, xuống 4%; nữ giới tăng nhẹ từ 0,1% năm 2015 lên 0,2% năm 2020. Tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) tại các địa điểm công cộng cũng giảm như: tại nơi làm việc giảm từ 42,6%, xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9%, xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7%, xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1%, xuống 86,2%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hút thuốc lá điện tử lại gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên. 

ThS Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, Việt Nam vẫn là một trong những nước áp dụng mức thuế thuốc lá rất thấp (38,8% giá bán lẻ) trong khu vực Asean và các nước phát triển. Theo khuyến nghị của WHO, mức thuế đối với thuốc lá phải là 75% giá bán lẻ.

Tại Việt Nam, ước tính năm 2020 chi 9.000 tỷ đồng cho mua thuốc lá và 5.600 tỷ đồng chi cho chi phí điều trị nhiều nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa – hô hấp trên) do thuốc lá gây ra. “Vì vậy, cần có biện pháp ngăn ngừa để giảm tác hại do thuốc lá gây ra”, bà Hương nhấn mạnh.

Hút thuốc lá điện tử gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên- Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thông tin

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm thuốc lá điện tử. Tại Mỹ từ năm 2020, các hương liệu (trừ bạc hà, hương thuốc lá) bị cấm trong thuốc lá điện tử. Hiện quốc gia này đang xem xét nguy cơ hương vị thuốc lá, bạc hà.

Ủy ban châu Âu và Canada cũng làm tương tự. Riêng Trung Quốc đã cấm tất cả các thuốc lá điện tử chứa hương liệu từ năm 10/2022.

"Thuốc lá điện tử hoàn toàn có hại sức khỏe, mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát. Nghiện thuốc lá điện tử gây ra một loạt bệnh tật mới và gây chi phí khổng lồ cho y tế. Vì vậy, cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam. Cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi" - Bác sĩ Nguyên cho biết thêm.

ThS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “WHO khuyến nghị Quốc hội cần ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sửa đổi để cấm thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, để ban hành được luật thì mất nhiều thời gian, nên WHO khuyến cáo trước mắt cần ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất và bán sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Việc này càng sớm càng tốt và giao cho cơ quan có trách nhiệm thực thi lệnh cấm. Phải có nghị quyết mới có chế tài để ngăn chặn tiếp tục gia tăng thuốc lá mới trong giới trẻ, nhằm bảo vệ, ngăn chặn thế hệ trẻ tương lai của đất nước nghiện nicotine. Sau khi ban hành nghị quyết, cần bổ sung điều khoản này vào Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sửa đổi”.

Hội nghị tập huấn cũng đề cập đến thông tin liên quan đến thuốc lá mới như: Một số quan niệm sai lầm, sự thật và kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát các sản phẩm thuốc lá mới của Ths. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên - Tổ chức Health Bridge Canada; Những thách thức trong phòng, chống tác hại của thuốc lá do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá trên toàn cầu của TS. Nguyễn Thu Hương - Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu - Vital Strategie; Khuyến cáo của WHO về quan điểm cấm các sản phẩm thuốc lá mới...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm