Hữu xạ tự nhiên hương

28/10/2016 - 18:40
Nằm ở cuối thôn Đồng Am Vàng, xã Việt Lập (huyện Tân Yên, Bắc Giang), con đường dẫn vào trụ ở HTX Tiểu thủ công nghiệp Thương binh Việt Lập, cũng là nhà ông Nguyễn Hoài Muôn - Giám đốc HTX.

Chúng tôi chuyển đổi HTX này vào tháng 12 năm 2015, ông Muôn tâm sự: Mấy năm vừa rồi cứ nghĩ mãi cách thức để làm, cũng chả biết có bạc thêm sợi tóc nào không, vì đầu cũng đã bạc trắng cả rồi. Cũng đã đến lúc phải thay đổi, trì trệ mãi không được,  nhưng thấy khó quá. Thật may là Liên minh HTX mở lớp bồi dưỡng kiến thức về HTX, Luật HTX sửa đổi  năm 2012, rồi lại đi thăm một số HTX đã chuyển đổi, vỡ ra nhiều điều. Vậy là về thực hiện. Còn đây là lớp dạy nghề mới cho 30 học viên là người khuyết tật của xã Việt Lập và xã Quế Nham. Giáo viên cũng là người khuyết tật và là thành viên của HTX. Ngoài chổi, chúng tôi đang có dự định mở thêm nghề đan nhựa giả mây.       

Nhớ lại, vùng quê này - thôn Đông Am Vàng vốn là một vùng quê nghèo bậc nhất của xã Việt Lập. Ngay như gia đình Giám đốc HTX Nguyễn Hoài Muôn, sau khi ra quân trở về làng xoay đủ nghề, từ đi chợ buôn sắn, thịt lợn, rồi tranh thủ sớm tối đi đánh te, đánh lưới… nhưng thu nhập chẳng đủ nuôi 4 người con. Đổi thay ở Đông Am Vàng bắt đầu từ năm 1982 khi ông Giáp Huy Thiệp đưa nghề làm chổi tre về làng, hướng dẫn người dân cách làm chổi bán ra thị trường để kiếm thêm thu nhập. Ông Muôn học nghề làm chổi và cái nghiệp làm chổi đeo bám lấy ông.

a.JPG
 Giám đốc Nguyễn Hoài Muôn

Có tay nghề làm chổi lại từng là quân nhân nên năm 2002 Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh đứng chân tại xã Quế Nham, Tân Yên mời ông Muôn tham gia dạy nghề cho 30 thương, bệnh binh. Từ đây ông Muôn đã nảy ra ý định thành lập HTX Tiểu thủ công nghiệp chuyên nghề làm chổi. Từ ý tưởng đến việc làm cụ thể cũng mất gần 5 năm, mãi cho tới năm 2007 HTX TTCN Thương binh Việt Lập với 13 thành viên là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật mới chính thức đi vào hoạt động. Với số vốn điều lệ là 39 triệu đồng. Xã viên của HTX là thương bệnh bình và người khuyết tật lại càng nghèo. Khởi đầu khó khăn không kể hết, nguồn vốn không có ông Muôn phải thế chấp đi vay ngân hàng, lại vay của anh em bạn bè để có tiền mua nguyên liệu cho xã viên. Để sản xuất ổn định, ông lặn lội lên Sơn Động tìm mua cán chổi, rồi lại đi các tỉnh để tìm đầu ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã. Cùng với việc chăm lo hoạt động của HTX, bình quân mỗi ngày hai vợ chồng ông cũng tập trung làm ra trên dưới 100 chiếc chổi tre, mỗi tháng xuất ra thị trường trên 2000 chiếc chổi, trừ chi phí cũng cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Nghề làm chổi ở Đống Am Vàng nhờ vậy mà phát lên, từ chỗ chỉ có vài chục người tham gia làm chổi, tăng dần đến 60 hộ làm nghề. Các thôn bên cạnh, rồi xã bên cũng manh nha làm chổi.

b.JPG
 Lớp học nghề của HTX

Thời điểm đó mỗi năm, Đông Am Vàng sản xuất được hơn 400.000 chiếc chổi tre bán ra thị trường. Ước tính cả năm, làng này thu về 4 tỷ đồng từ nghề làm chổi. Với HTX TTCN Thương binh Việt Lập các xã viên mỗi năm cũng sản xuất được vài chục ngàn chiếc, đời sống nhờ vậy mà khá lên.

Sau khi chuyển đổi, HTX TTCN Thương bình Việt Lập có 17 thành viên, trong đó có 12 người là thương bệnh binh, người tàn tật. Mỗi thành viên đóng cổ phần là 5 triệu đồng. Hội đồng quản trị gồm 4 người, Giám đốc- Chủ tịch HĐQT là ông Muôn, ngoài ra còn 1 Phó Giám đốc, 1 Kiểm soát, 1 Ủy  viên. Đối với nghề làm chổi, HTX đứng ra lo toàn bộ việc cung ứng nguyên vật liệu, bình quân mỗi tháng chi phí từ 18 – 20 triệu đồng tiền mua tre, chạc, chít… HTX cũng chịu trách nhiệm tổ chức dạy nghề làm chổi và liên doanh liên kết để tìm nghề mới cho các thành viên. Thứ đến là khâu tiêu thụ. Hội đồng quản trị cũng đã bươn chải tới các tỉnh lân cận, tìm mối giao hàng và đầu ra cho sản phẩm rất ổn định, mỗi tháng HTX xuất một lần khoảng trên 10.000 sản phẩm đi các tỉnh như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, rối một số tỉnh phía trong.

Để HTX tồn tại và phát triển, có đủ sức chăm lo đời sống thành viên theo ông Muôn, vấn đề đó là phải mở rộng liên kết, đa dạng loại hình sản phẩm. Năm 2015 HTX TTCN Thương binh Việt Lập đã ký hợp đồng với 1 đơn vị ở Hà Tây đan bèo thành các loại giỏ xuất khẩu đi Nhật và đã làm gần 100.000 sản phẩm. Năm nay, HTX cho 1 số thành viên đi học nghề mây nhựa đan sau đó về mở lớp dạy nghề. Chúng tôi ký kết hợp đồng với một đơn vị ở Bắc Ninh làm bàn ghế đan nhựa giả mây, đầu ra khỏi phải lo.

Từ ngày chuyển đổi, HTX TTCN Thương bình Việt Lập quả là ăn nên làm ra. Thu nhập bình quân của các thành viên từ 5 – 7 triệu đồng. Cá biệt có thành viên đạt trên 10 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản, thuế môn bài và tích lũy, phần dư ra phân chia theo cổ phần của thành viên đóng góp.

Thành viên HTX TTCN Thương binh Việt Lập đều là những người thua kém người khác về sức khỏe nhưng hiện nay không còn hộ nghèo. 100% thành viên đều đã xây dựng nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm