Huyền tích Mẫu Thoải trong dân gian

24/02/2017 - 16:35
Trong cuộc sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa, nước là yếu tố không thể thay thế. Vì vậy, tục thờ thủy thần có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt từ xa xưa.

Là Mẫu được thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Mẫu Thoải là vị thủy Phúc thần trị vì, cai quản vùng sông nước. Sự tích về vị Thánh Mẫu này có liên quan trực tiếp với nguồn gốc thủy tổ dân tộc Việt vào buổi đầu dựng nước.

Trong dân gian Việt Nam, truyền thuyết kể lại rằng, Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông, vị vua khai sáng ra nước Xích Quỷ. Thuở đất trời mới mở mang, núi cao, rừng rậm, đầm lầy còn bao phủ gần kín mặt đất, Kinh Dương Vương thường đi du ngoạn khắp nơi, trông nom cõi bờ đất nước. Một ngày kia, khi dạo tới vùng nước còn mênh mông trắng xóa, chỉ lô nhô đôi gò đất cao nổi lên, vua bỗng gặp người con gái có sắc đẹp tuyệt trần, vừa như tiên giáng thế, vừa tựa thiếu nữ nơi thủy cung lên. Vua hỏi nàng xưng là con gái của của Long Vương ở Động Đình Hồ (vì vậy còn gọi Động Đình Quân) tên là Thần Long. Trong lòng cảm động, Kinh Dương Vương đem lòng yêu mến rồi lấy nàng làm vợ,  sinh ra Sùng Lãm, chính là Lạc Long Quân - Thủy tổ của người Lạc Việt.

1.jpg
 Theo truyền thuyết, Mẫu Thoải là con gái của Long Vương ở hồ Động Đình, sau lấy Kinh Dương Vương rồi sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long Quân.

Về sau, bà có công giúp vua trông coi việc sông biển, làm mưa, chống lụt, chống hạn. Bà còn âm phù, dương trợ cho các tướng lĩnh hay chính nhà vua đi chinh chiến, dẹp giặc cứu nước. Do có công cao nghĩa cả nên nhân dân đời sau đã suy tôn bà là Mẫu Thoải; lập đền thờ dọc hai bên bờ các dòng sông. Từ đó trong tư duy của người Việt, Mẫu Thoải được gắn liền với miền sông nước.

Cũng cốt chuyện trên, dân vùng Ngàn Hống (Nghệ An) kể rằng: Lúc mới mở nước, Kinh Dương Vương đi xem cảnh núi sông, tìm nơi đất lành để xây dựng kinh đô.

Khi về tới phương Nam, đến vùng Ngàn Hống, thấy cảnh núi non hùng vĩ, 99 ngọn cao vút, trấn trên tiên Hội, có thế rồng vây hổ chầu, Dương Vương lấy làm vừa ý, bèn sai đắp thành dưới núi, xây dựng lâu đài thành lũy...

Công việc tạm xong, Kinh Dương Vương lại cưỡi thuyền trở ra phương Bắc, tiếp tục cuộc tuần du. Thuyền của vua theo dòng Thanh Long (tên cũ của sông Lam) đến gần cửa Hội, bỗng thấy một người con gái mặt hoa da phấn, tóc đen mườn mượt, má đỏ hây hây từ dưới nước nổi lên. Sau khi tự xưng là Thần Long, người con gái ấy trở thành vợ vua Kinh Dương Vương và là sau này là mẹ của Lạc Long Quân.

Với hai dị bản truyền thuyết dân gian dẫn trên, các sách cổ lục, sử ký của các triều đại phong kiến cũng đã từng ghi chép lại. Kỉ Hồng Bàng thị trong phần Ngoại kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư viết: ‘Kinh Dương Vương trị vì phương Nam, gọi tên là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân’. Tác giả ‘Lĩnh Nam chích quái’ còn kể thêm được chi tiết: ‘Linh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy con gái vua hồ Động Đình là Long Vương, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân’.

Theo đó thì con gái của Động Đình Quân và người con gái xinh đẹp từ dưới nước nổi lên ở Ngàn Hống kia chỉ là một vị nữ thần Nước mà thôi.

2.jpg
 Trên ban thờ, Mẫu Thoải mặc áo trắng, ngồi bên trái Mẫu Liễu Hạnh.

Các sử gia đời sau khi chép lại sự kiện trên đều có sự cân nhắc nghiêm ngặt. Việt sử thông giám cương mục đã nói rõ quan điểm trong Phàm lệ: ‘Sử cũ chép quốc thống bắt đầu từ Kinh Dương Vương, nhưng xét thời đại ấy việc rất lờ mờ, không có chứng cứ đích xác. Nay vâng sắc dụ chuẩn y cho phép từ đời Hùng Vương để tỏ rõ lúc bắt đầu có quốc thống của nước ta, còn những việc về niên kỷ Kinh Dương và Lạc Long thì chua phụ ở dưới mà chép sơ lược, để hợp với cái nghĩa ‘nghi dĩ, truyền nghi’ và ‘Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm’.

Đến Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí - Quyển VI phần ‘Nhân vật chí’ coi Kinh Dương Vương là dòng dõi Thần Nông, vua khởi đầu của nước Việt ta. Khi trước, cháu ba đời Thần Nông là Đế Minh, đi tuần thú ở biển phía Nam, gặp nàng Vụ Tiên rồi lấy làm vợ, đẻ con là Lộc Tục. Lộc Tục có Thánh Đức, Đế Minh yêu lắm, muốn lập là con nối, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi; Đế Minh liền phong cho Lộc Tục ở đất Việt (về miền Nam), tức là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân, đẻ ra Lạc Long Quân.

Như vậy, vợ của Kinh Dương Vương tức là mẹ của Vua Hùng thứ nhất; 3 bộ sử có giá trị nhất của Việt Nam thời xưa đã ghi nhận. Tuy nhiên, đương đại lịch sử của các nhân vật truyền thuyết và ngay cả đến thời các sử gia, tên đất, tên người chưa có sự phân định như từ sau thế kỷ X.

Đến thế kỷ XVII, Kinh Dương Vương đã chính thức được văn hóa dân gian đưa vào thờ làm vị thủy tổ trong đền ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Lời ca hát chầu văn cũng nhắc đến địa danh Động Đình:

Trạng giang biên dòng dòng lai láng

Nguyệt lầu lầu soi sáng Nam minh

Ngài con vua thủy Động Đình

Cổ tiên thần nữ giáng sinh đền rồng.

Tài gồm đủ công dung ngôn hạnh

Nết ôn hòa ưa tính thiên nhiên.

(Văn Mẫu Thoải - Tài liệu sưu tầm ở đền Đồng Bằng - Thái Bình, 1972).

n-h-tuyn-quang.jpg
 Đền Hạ ở Tuyên Quang thờ Mẫu Thoải.

Như vậy, thần nữ hồ Động Đình trở thành hiện tượng văn hóa dân gian có ý nghĩa lịch sử trọng đại, được suy tôn là Mẫu Thoải. Tuy vậy Mẫu Thoải không để lại một trang viết cụ thể nào về hành trạng của mình. Thực chất nhân vật Mẫu Thoải là đỉnh cao sự ngưng kết, chắt lọc của tín ngưỡng thờ thần nước trong lòng xã hội nông nghiệp xa xưa. Quyền lựa chọn, đề cao rồi tiến tới đồng hóa thần nước với mẹ vua Hùng thứ nhất với Mẫu Thoải, là điểm hội tụ của lòng dân và một khi lòng dân đã trở thành thống nhất trong toàn thể bờ cõi, thì đó là thánh thần linh thiêng.

Đời sống tâm linh của người Việt quan niệm rằng, thủy phủ là một thế giới ảo vọng tồn tại ở dưới mặt nước ở bất cứ chỗ nào có ao, hồ, sông suối và biển cả. Xã hội nơi đó là cuộc sống của các vị thủy thần, cũng có mọi quan hệ ứng xử gần như người. Mẫu Thoải là đại diện thần Mẹ ở cõi nước, dung thần hòa hợp với cõi trần tục, sinh ra ông vua mở đầu thời dựng nước ở Việt Nam, được dân chúng suy tôn và xếp vào bậc hiển thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

l-rc-kiu-t-n-thng-v-n-h-c-t-chc-vo-ngy-122-m-lch-hng-nm.jpg
 Lễ rước kiệu Mẫu Thoải được tổ chức vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm.

Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần. Nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở Hà Trung, Thanh Hóa; bên canh đó còn có Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng; Đền Thượng và Đền Hạ tại Tuyên Quang; ngôi đền ở bến sông Hồng, gần cầu Chương Dương, Gia Lâm cũng tên là Đền Mẫu Thoải hay còn gọi là Đền Cửa Sông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm