pnvnonline@phunuvietnam.vn
Huyết áp bao nhiêu là bình thường?
Với những người có sức khoẻ tốt, huyết áp đều ở mức ổn định. Chính vì thế, thông qua chỉ số huyết áp mà có thể biết được tình trạng sức khỏe cũng như tim mạch.
1. Huyết áp bao nhiêu là bình thường?
Để đánh giá tình trạng huyết áp thấp hay cao thường sẽ dựa trên 2 chỉ số:
Huyết áp tâm thu: Thường là giá trị cao và thể hiện áp suất trong động mạch khi tim đang hoạt động.
Huyết áp tâm trương: Thường là giá trị thấp hơn và là chỉ số áp lực của máu giữa 2 lần đập của tim.
Bên cạnh đó, để đo chính xác còn dựa vào khoảng cách của 2 chỉ số. Nếu càng rộng hay hẹp thì chứng tỏ huyết áp của người bệnh không ổn định. Huyết áp cũng cần được đo nhiều lần trong ngày, theo tháng vì chỉ số này dao động bởi nhiều yếu tố như cảm xúc, hoàn cảnh.
Để mang lại kết quả đúng, trước khi đo 15 - 30 phút, bệnh nhân không được hút thuốc lá, uống cà phê và giữ tinh thần thoải mái. Ngoài ra, dụng cụ và cách đo cũng là yếu tố quyết định đến độ chính xác.
Theo Bộ Y tế, những người có điều kiện sức khoẻ và máu lưu thông tốt thì huyết áp bình thường dưới 120/80 mmHg. Còn đối với người cao tuổi, tâm thu tăng thêm 29mmHg và tâm trương tăng lên 8,6mmHg. Khi chỉ số này tăng lần lượt là 160mmHg và huyết áp tâm trương trên 99mmHg là huyết áp có vấn đề.
Ngoài ra, chỉ số huyết áp này cũng phản ánh lên người bệnh bị huyết áp thấp hay huyết áp cao.
2. Huyết áp cao là gì?
Cao huyết áp xảy ra là khi áp lực máu đi vào thành động mạch khi tim bơm đưa máu đi quá cao. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra trong thời gian dài sẽ khiến sức khoẻ bị ảnh hưởng.
Thông thường ở những bệnh nhân bị huyết áp cao sẽ có chỉ số huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥140mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương ≥90mmHg. Còn đối với người lớn tuổi thì lần lượt là ≥140mmHg và nhỏ hơn 90mmHg.
Bệnh này cũng được thành dạng là:
Độ 1: mức huyết áp ≥140/90 mmHg
Độ 2: mức huyết áp ≥160/100 mmHg
Tuy không có triệu chứng cụ thể nhưng cao huyết áp lại gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ. Bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị suy tim, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hay nghiêm trọng hơn là đột quỵ, tử vong.
Bạn có thể nhận biết bệnh thông qua các dấu hiệu như hồi hộp, chóng mặt, hoa mắt, mặt đỏ bừng không rõ nguyên nhân… Thậm chí ở một số người triệu chứng còn có thể diễn ra nặng hơn như đau tim, mặt tái nhợt, thị lực giảm, nôn trớ…
3. Huyết áp thấp là gì?
Huyết áp thấp xảy ra khi chỉ số huyết áp tâm thu <90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương <60 mmHg. Cũng giống như khi đo huyết áp cao, người bệnh cần trong trạng thái nghỉ ngơi, không bị áp lực. Một người khỏe mạnh khi đo huyết áp thấp thường không có biểu hiện và cũng không cần phải điều trị.
Tuy nhiên khi được chẩn đoán huyết áp thấp, đặc biệt là người cao tuổi thì bạn cần lưu ý tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân bởi bệnh có thể gây nguy hiểm do máu không được đưa không đủ đến các cơ quan như tim, não, cơ quan khác.
Nhiều người thường nghĩ huyết áp thấp không nguy hiểm bằng huyết áp cao nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Khi bị huyết áp thấp, những triệu chứng phổ biến là hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội, mệt mỏi, buồn nôn, nhịp tim tăng nhanh hay thậm chí ngất, mê sảng.
Những đối tượng dễ có nguy cơ bị tình trạng này là người mắc các bệnh tim mạch, bệnh về nội tiết, người bị mất nước, mất máu hay nhiễm trùng, người có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ bị huyết áp thấp bởi thường trong 24 tuần đầu tiên, huyết áp tâm thu thường giảm 5-10 mmHg còn huyết áp tâm trương giảm từ 10-15 mmHg. Tuy nhiên sau khi sinh con thì huyết áp của thai phụ sẽ bình thường trở lại.
4. Cách để huyết áp ổn định không dùng thuốc
Giảm cân
Khi cân nặng tăng đồng thời thường huyết áp cũng tăng theo. Bên cạnh đó, khi cân vượt mức bình thường cũng dẫn đến tình trạng rối loạn hô hấp khi ngủ. Do đó, giảm cân cũng là cách hiệu quả để ổn định huyết áp, đặc biệt với người bị béo phì. Theo các chuyên gia, thường, khi 1kg cân giảm thì 1mmHg huyết áp cũng giảm theo.
Tập thể dục
Hàng ngày, bạn có thể tập thể dục bằng các bài yoga, chạy bộ, đạp xe khoảng 30 phút mỗi ngày. Không chỉ đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn giúp giảm 5 - 8 mmHg huyết áp ở những người mắc bệnh cao huyết áp.
Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn uống đóng góp một phần lớn đến huyết áp chính vì thế ngay từ bây giờ bạn nên xây dựng chế độ ăn lành mạnh. Đối với người bị cao huyết áp nên bổ sung nhiều hoa quả, rau củ, uống sữa ít béo, hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa và cholesterol.
Còn với người huyết áp thấp thường nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng không đủ, ăn ít, bỏ bữa dẫn đến lượng đường máu giảm. Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, đối tượng này nên nạp các thực phẩm chứa caffein, nước chanh, muối chứa sodium, nho khô…
Ngoài ra với những người bị tụt huyết áp do thiếu máu thì các thực phẩm như trứng gà, gan lợn, rau dền, trứng gà… sẽ giúp tình trạng này cải thiện.
Giảm muối ở chế độ ăn uống
Ăn muối với lượng vừa đủ sẽ giúp sức khỏe tim mạch được cải thiện đồng thời điều hoà huyết áp. Lượng muối mỗi ngày theo khuyến cáo không nên quá 2300mg và tốt nhất nên dưới 1500mg. Để đạt được hàm lượng trong mức cho phép thì bạn nên hạn chế nêm nếm muối vào các bữa ăn và tránh ăn những thực phẩm đã qua chế biến.
Hạn chế rượu bia
Rượu chỉ nên uống ở mức vừa phải khoảng 1 - 2 ly mỗi ngày có thể giúp hạ huyết áp. Tuy nhiên khi uống quá liều, huyết áp lại tăng cao và làm giảm tác dụng của thuốc điều trị huyết áp.
Không hút thuốc lá
Hút thuốc sẽ làm tăng huyết áp tuy nhiên khi bạn bỏ được thuốc thì huyết áp sẽ trở về bình thường. Bên cạnh đó, đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những người không hút thuốc có tuổi thọ cao hơn người hút thuốc.
Giảm stress
Stress là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng huyết áp cao. Chính vì thế bạn hãy tìm các nguyên nhân và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực bằng các hoạt động vui vẻ, tập thiền, tập yoga…
Kiểm tra huyết áp & khám sức khỏe định kỳ
Phát hiện sớm được bệnh sẽ giúp tăng tỷ lệ điều trị đồng thời phòng tránh khỏi những biến chứng. Chính vì thế hàng năm bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ và mua máy đo huyết áp tại nhà để có thể kiểm tra hàng ngày.
Bài viết trên đã giải đáp cho câu hỏi huyết áp bao nhiêu là bình thường? Huyết áp thấp hay cao đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên ban hãy thường xuyên kiểm tra huyết áp. Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện tầm soát để sớm phát hiện ra bệnh.