Iran: Cô gái 22 tuổi tử vong sau khi bị “cảnh sát đạo đức” bắt giữ

Kim Ngọc
17/09/2022 - 21:43
Iran: Cô gái 22 tuổi tử vong sau khi bị “cảnh sát đạo đức” bắt giữ

Ảnh minh họa: Atta Kenare/AFP

Mahsa Amini, 22 tuổi, đã tử vong trong bệnh viện ở Iran vài ngày sau khi bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc không tuân thủ các quy định về khăn trùm đầu.

Guardian ngày 16/9 đưa tin Mahsa Amini, một phụ nữ 22 tuổi, đã tử vong sau khi bị "cảnh sát đạo đức" hay "cảnh sát tôn giáo" - tổ chức quyền lực có trách nhiệm điều tra những vụ vi phạm luật Sharia của Hồi giáo - bắt giữ vì vi phạm quy tắc trùm khăn trùm đầu trong bối cảnh Iran đàn áp trang phục của phụ nữ.

Amini tử vong trong bệnh viện Iran vài ngày sau khi bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc không tuân thủ các quy định về khăn trùm đầu của đất nước.

Được biết Mahsa Amini đang cùng gia đình đi du lịch từ tỉnh Kurdistan (phía tây Iran) tới thủ đô Tehran để thăm họ hàng thì bị bắt vì không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của đất nước về trang phục của phụ nữ.

Các nhân chứng cho biết Amini bị đánh trong xe cảnh sát nhưng cảnh sát phủ nhận điều này.

Sự việc diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ra lệnh đàn áp quyền phụ nữ và kêu gọi thực thi nghiêm ngặt hơn quy định bắt buộc về trang phục của đất nước, vốn yêu cầu tất cả phụ nữ phải đội khăn trùm đầu hijab kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Amini được đưa đến bệnh viện vài giờ sau khi bị bắt và nằm phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Kasra. Cô sau đó rơi vào tình trạng hôn mê, gia đình được nhân viên bệnh viện thông báo rằng cô bị chết não.

Iran: Người phụ nữ 22 tuổi tử vong sau khi bị “cảnh sát đạo đức” bắt giữ - Ảnh 1.

Mahsa Amini, 22 tuổi, đã tử vong trong bệnh viện ở Iran vài ngày sau khi bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc không tuân thủ các quy định về khăn trùm đầu.

Theo Hrana, một tổ chức nhân quyền của Iran, trong thời gian Amini bị bắt, gia đình được thông báo cô sẽ được thả sau một buổi "học tập cải tạo". Tuy nhiên khi Kiaras, anh trai Amini, đợi bên ngoài đồn cảnh sát để đón em gái thì một chiếc xe cấp cứu đến và đưa Amini đến bệnh viện.

Trong một cuộc phỏng vấn với IranWire, Kiarash cho biết anh được thông báo em gái bị đau tim hoặc đột quỵ khi ở đồn cảnh sát và đang hôn mê. Tuy nhiên, gia đình Amini đặt nghi vấn về thông tin từ cảnh sát, họ cho biết cô là một người trẻ 22 tuổi bình thường, khỏe mạnh và không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Hình ảnh chụp Amini nằm trên giường bệnh trong tình trạng hôn mê với băng quấn quanh đầu và ống thở đã lan truyền trên mạng xã hội. Việc nhập viện và cái chết của Amini bị những người nổi tiếng và chính trị gia Iran lên án. Mahmoud Sadeghi, một chính trị gia theo chủ nghĩa cải cách kiêm cựu nghị sĩ, đã kêu gọi lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, lên tiếng về trường hợp của Amini.

Iran: Người phụ nữ 22 tuổi tử vong sau khi bị “cảnh sát đạo đức” bắt giữ - Ảnh 2.

Mahsa Amini trong tình trạng hôn mê trước khi tử vong. Trước đó, gia đình được thông báo rằng cô sẽ được thả sau một buổi "học tập cải tạo". Ảnh: Twitter

Truyền thông nhà nước đưa tin, Bộ Nội vụ và công tố viên của Tehran đã tiến hành điều tra vụ việc sau khi có lệnh của Tổng thống Raisi.

Các quan chức Iran cho biết họ đã tiến hành khám nghiệm thi thể của Amini vào hôm nay (17/9). Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước, Giám đốc Tổ chức Pháp y Iran, Mehdi Forozesh, nói rằng kết quả sẽ được công khai sau khi chuyên gia y tế kiểm tra rõ ràng.

Quy định bắt buộc về trang phục, áp dụng cho tất cả các quốc gia và tôn giáo, không chỉ riêng người Hồi giáo Iran, yêu cầu phụ nữ che tóc và cổ bằng khăn trùm đầu. Trong nhiều thập kỷ, phụ nữ Iran đã đấu tranh chống lại điều này, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Kể từ năm 2017, sau khi hàng chục phụ nữ công khai cởi khăn trùm đầu trong làn sóng phản đối, chính quyền đã áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn.

Ngày 15/8, Tổng thống Raisi đã ký nghị định về việc ăn mặc của phụ nữ và đưa ra các hình phạt hà khắc hơn nếu vi phạm quy tắc, cả ở nơi công cộng và không gian trực tuyến.

Nhiều phụ nữ trên khắp đất nước đã bị bắt giữ sau tuyên bố "ngày hijab và trinh tiết" hôm 12/7. Một trong số họ là Sepideh Rashno, một nhà văn kiêm nghệ sĩ, người được cho là đã bị đánh đập và tra tấn trong lúc giam giữ trước khi bị buộc xin lỗi trên truyền hình.

Nguồn: Guardian, CNN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm