IS rao bán 'nô lệ tình dục' giá... 12.500 USD

10/07/2016 - 14:27
Những dòng quảng cáo ớn lạnh: “Gái còn trinh. 12 tuổi… Giá 12.500 USD” chẳng còn xa lạ tại thị trường buôn người của phiến quân IS.

Mạng người bị rẻ rúng và cuộc giải cứu đang đi vào ngõ cụt

Mặc dù, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, hay còn được gọi là Daesh trong tiếng Ả Rập, đang mất dần các vùng lãnh thổ mà nó chiếm giữ, tuy nhiên tổ chức này vẫn đang nắm trong tay khoảng 3.000 phụ nữ và trẻ em gái với mục đích biến họ thành nô lệ tình dục cho chúng.

Trong tháng 8 năm 2014, hàng ngàn phụ nữ và trẻ em dân tộc Yazidi đã bị bắt làm tù binh sau khi IS chiếm đóng làng của họ ở miền bắc Iraq. Kể từ đó, trung bình mỗi tháng có 134 người được cứu thoát khỏi bọn buôn người. Tuy nhiên, đến tháng 5 vừa qua,  sau một cuộc đàn áp, con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 39 người trong suốt 6 tuần qua, theo số liệu được chính quyền khu vực người Kurd cung cấp.

Nadia Mourad, một nữ nạn nhân trốn thoát thành công khỏi ‘động quỷ’ IS, đã đứng trước Quốc hội Mỹ và Quốc hội Châu Âu để kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế: “IS tự hào về những gì chúng đã làm với người Yazidi. Họ đang bị sử dụng như những lá chắn sống. Họ không được phép trốn hay bỏ chạy. Có lẽ họ sẽ bị giết chết”.

no-le-cua-is-1.jpg
 Những người phụ nữ đến thăm một ngôi đền của dân tộc Yazidi tại Dohuk, miền bắc Iraq.

Mirza Danai, người sáng lập Tổ chức cứu trợ Đức - Iraq mang tên Luftbrucke Irak cho biết, trong vòng 2,3 tháng qua, việc giải cứu những người bị bắt làm nô lệ trở nên đặc biệt khó khăn và nguy hiểm hơn: “Chúng thông báo với tất cả đồng bọn rằng mỗi nô lệ thuộc sở hữu của một người trong số chúng và do đó nếu những người đó trốn thoát, mọi trạm kiểm soát, trung tâm điều khiển hay lực lượng an ninh của IS đều biết rằng cô gái này đã thoát khỏi chủ sở hữu nào”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, John Kirby cũng đã lên tiếng với trang tin AP rằng, Mỹ liên tiếp cảm thấy “kinh hoàng bởi những báo cáo đáng tin cậy rằng IS đang buôn bán người nói chung và nô lệ tình dục nói riêng. Việc kinh khủng này không chỉ đáng nói đến ở mức độ mà việc làm này thể hiện IS coi rẻ sự sống và vấy bẩn đức tin Hồi giáo. Điều này càng củng cố quyết tâm đánh bại chúng của chúng tôi”.

Chính quyền khu vực người Kurd đã tích cực hỗ trợ cho các gia đình nghèo khó thuộc dân tộc Yazidi trong việc tìm kiếm người thân của họ. Tuy nhiên, quỹ của chính phủ Kurd cũng đang dần cạn kiệt. Bởi lẽ, trong những năm vừa qua, chính phủ cũng đã bị sa lầy vào cuộc khủng hoảng kinh tế do sự sụt giảm liên tục của giá dầu, tranh chấp với chính quyền trung ương của Iraq và phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các cuộc chiến tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Một quan chức chính quyền cho biết: “Việc giải cứu đang bị chậm lại. Và có lẽ chúng tôi sẽ dừng. Chúng tôi đang hết tiền và hàng chục gia đình đang nợ nần hàng chục ngàn đô. Hiện giờ vẫn còn hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị giam cầm, vì vậy việc giải cứu trở nên ngày càng khó khăn đối với chúng tôi.”

Quản lý ‘nô lệ’ bằng… mã hóa

Để bán và quản lý các ‘nữ nô lệ’ của mình, IS không chỉ ‘huy động’ những đòn tra tấn cổ đại dã man, mà chúng còn áp dụng các công nghệ hiện đại như máy bay chiến đấu hay điện thoại thông minh. Bằng smartphone hay máy tính, chúng lưu trữ ảnh của nạn nhân và tên của kẻ “chủ sở hữu” của họ vào cơ sở dữ liệu trên các ứng dụng điện thoại thông minh và cung cấp những thông tin này cho các trạm kiểm soát của chúng để ngăn chặn triệt để đường trốn thoát của nạn nhân. Từ một người may mắn trốn thoát, hãng tin AP đã thu thập được 48 bức ảnh của những kẻ buôn lậu. Những kẻ này cũng sử dụng cơ sở dữ liệu và điện thoại thông minh để quản lý nô lệ của mình.

no-le-cua-is-2.jpg
 Trong những bức hình mà hãng tin AP thu được, nhiều phụ nữ và trẻ em gái mặc những trang phục lộng lẫy, trang điểm đậm, đứng trước máy ảnh với phông nền đằng sau là một tấm màn như ở trong một khách sạn tồi tàn.

Theo thông tin mà một nhà hoạt động người dân tộc thiểu số Yazidi cung cấp cho trang tin AP thì các cuộc trò chuyện mua bán cũng được mã hóa trên một ứng dụng điện thoại thông minh, các lời quảng cáo buôn bán người công khai được đăng cùng với những lời quảng cáo giao bán động vật, vũ khí hay các thiết bị chiến đấu khác. Những thông tin này chủ yếu xuất hiện trên trang Telegram, Facebook và WhatsApp.

Trước thông tin trên, phát ngôn viên của Telegram, ông Markus Ra đã khẳng định rằng: “Telegram rất phổ biến ở Trung Đông.”. Tuy nhiên, ông cũng cam kết rằng Telegram sẽ không để cho các phần tử cực đoan lạm dụng mình. Tương tự, WhatsApp cũng tình nguyện kết hợp với các cơ quan điều tra và cung cấp các bằng chứng vi phạm điều kiện hoạt động bị nghi là của IS.

Lời kể từ những người may mắn trốn thoát

Hầu như những cô bé bị IS giam giữ còn chưa được học hết tiểu học và chẳng có ai trong số họ là quá 30 tuổi. Cô bé Nazdar Murat chưa đến 16 tuổi là một trong số đó. Cô bé bị IS bắt cóc từ 2 năm trước. Trên thực tế, cô bé chỉ là 1 trong số hơn 20 người phụ nữ trẻ tuổi bị các phần tử cực đoan bắt đi vào tháng 8 năm 2014 khi IS tràn vào khu vực Sinjar, trung tâm của dân tộc Yazidi. Trong vụ tấn công đó, hầu hết các gia đình đều bị mất người thân.

no-le-cua-is-3.jpg
Ghi chép của một nhà hoạt động về tội ác chống lại người yazidi của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Lamiya Aji Bashar, một cô gái 18 tuổi bị IS bắt làm nô lệ từ làng Kocho, gần thị trấn Sinjar vào mùa hè năm 2014, đã cố gắng chạy trốn 4 lần khỏi ‘bàn tay quỷ’ của IS trước cuộc đào tẩu thành công vào tháng 3 vừa qua. Trước sự đuổi bắt ráo riết của IS, cô đã chạy được đến lãnh thổ mà chính phủ kiểm soát. Thật không may, trên đường chạy trốn, 1 quả mìn đã phát nổ và cướp đi sinh mạng của 2 người bạn của cô là Almas (8 tuổi) và Katherine (20 tuổi) trước khi cô kịp biết tên họ đầy đủ của họ. Vụ nổ cũng đã lấy đi đôi mắt phải của cô và để lại một vết sẹo lớn trên gương mặt. Cô chia sẻ với trang tin AP rằng cô tự cảm thấy mình quá may mắn: “Cảm ơn Chúa, tôi đã thoát khỏi những kẻ ngoại đạo. Ngay cả khi tôi bị mất cả hai mắt, thì việc này cũng rất đáng giá bởi vì tôi đã sống sót”. Không được may mắn như người chị của mình, Lamiya cho biết hiện tại cô em gái Mayada mới 9 tuổi của cô vẫn còn bị IS giam giữ.

Ngoài Lamiya và Mayada, 5 người chị em khác của cô đều đã trốn thoát và sau đó đã chuyển tới Đức. Còn 1 người em trai của cô sau nhiều tháng bị giam giữ tại một trại huấn luyện của IS ở Mosul, Iraq, cũng đã trốn thoát thành công và hiện giờ, đang ở cùng người thân tại Dahuk, Iraq.

Lamiya ngồi lặng lẽ, rất bình tĩnh và kể lại câu chuyện kinh hoàng của cuộc đời mình bằng giọng đều đều. Cô cho biết “chủ sở hữu” đầu tiên của cô là một chỉ huy của IS người Iraq, tên là Abu Mansour ở thành phố Raqqa, Syria. Hắn đánh đập và thường giữ cô bằng còng tay. Trong thời gian đó, cô đã cố gắng chạy trốn 2 lần nhưng bị bắt, bị đánh đập và bị cưỡng hiếp nhiều lần.

Sau đó 1 tháng, cô bị bán cho một kẻ cực đoan ở Mosul. Cô đã phải ở cùng hắn 2 tháng trước khi lại bị đem đi bán 1 lần nữa. Và lần này là một kẻ sản xuất bom tự sát của IS. Hắn ta đã bắt cô phải giúp hắn làm những chiếc áo khoác bom và bom xe tự sát. Cô chia sẻ rằng cô cũng đã cố gắng để thoát khỏi hắn ta nhưng kết cục vẫn là “tôi bị bắt lại và hắn ta đánh đập tôi”.

Khi tên chế bom tự sát chán cô, cô lại bị bán cho một bác sĩ IS tại Hawija, một thị trấn nhỏ do IS kiểm soát tại Iraq. Cô cho biết, tại đây tên bác sĩ này đã nhiều lần lạm dụng cô. Nhưng cũng kể từ đây, cô đã bí mật liên lạc được với người thân của mình. Sau 1 năm, gia đình đã biết tin và trả 800 USD cho bọn buôn lậu địa phương để bố trí cho cô trốn thoát. Và sau bao nhiêu gian nan, cuối cùng, Lamiya cũng đã được cứu thoát thành công và trở về đoàn tụ với anh chị em của mình tại. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, trái tim cô vẫn còn ở lại Iraq: “Chúng tôi đã có một ngôi nhà đẹp với một trang trại lớn... Tôi đã được đi học. Những ký ức đó thật là đẹp”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm