pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Kẻ ngoại đạo” trở thành tân CEO toàn cầu của hãng thời trang danh tiếng Chanel
Leena Nair, tân CEO toàn cầu của Chanel
Hứa hẹn đưa thương hiệu đến nhiều cột mốc mới
Trang nhất các tạp chí thời trang thế giới những ngày qua gọi tên Leena Nair, Giám đốc điều hành (CEO) mới được bổ nhiệm của Chanel. Bà Leena Nair sẽ thay thế Maureen Chiquet, người điều hành Chanel từ năm 2007 đến 2016.
Sau khi Maureen rời nhà mốt vào năm 2016, chiếc ghế quyền lực này bị bỏ trống đến tận bây giờ. Quyết định lựa chọn một người đứng đầu không có kiến thức về thời trang đã gây bất ngờ. Theo Chanel, việc bổ nhiệm bà Leena sẽ giúp đảm bảo sự thành công lâu dài của Chanel với tư cách một công ty tư nhân. Chanel đã dành những lời khen "có cánh" cho bà Nair và tin tưởng bà Nair sẽ trở thành một lãnh đạo có tầm nhìn, giúp Chanel ngày càng vững chắc, đưa thương hiệu đến nhiều cột mốc mới trong tương lai.
Là người phụ nữ đầu tiên trong tất cả mọi công việc tôi từng làm, có nghĩa rằng tôi phải hiểu rõ về công việc vốn dĩ được tạo ra cho một ai đó chứ không phải mình. Tôi luôn nói rằng: Chúng ta ở trong cùng một cơn bão nhưng không ngồi cùng thuyền. Những kinh nghiệm tích lũy được khiến tôi nhận ra mong muốn của bản thân trong việc tạo nên một môi trường công việc cho bất cứ ai, đáp ứng nhu cầu của mỗi cá nhân”.
Leena Nair
Chanel, một trong những thương hiệu nổi tiếng của ngành thời trang xa xỉ thế giới, với những sản phẩm cao cấp về túi xách, nước hoa, phụ kiện... Được thành lập từ những năm 1909-1910 do Gabrielle "Coco" Chanel sáng lập, cái tên Chanel được biết đến như một nhãn hiệu thời trang cao cấp đáng tự hào nhất của ngành công nghiệp thời trang nước Pháp.
Hơn bất kì nhãn hiệu nào, Chanel mang trọn vẹn nhiều tinh hoa và luôn chọn người tài giỏi để điều hành. Chanel đã vượt qua đại dịch Covid-19 tốt hơn phần lớn các nhà bán lẻ khác. Hãng này đã tăng giá sản phẩm nhiều lần để nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Theo các chuyên gia phân tích, doanh thu của Chanel giảm 17,6% trong năm ngoái nhưng tỷ suất lợi nhuận lõi lại ở mức khoảng 20%, giúp Chanel trở thành một trong những công ty sinh lời cao nhất trong lĩnh vực này. Thế giới thời trang, đặc biệt là ngành hàng thời trang cao cấp, xoay vần quanh những người da trắng.
Trước bà Nair, hai người phụ nữ khác từng đảm nhiệm vị trí CEO của Chanel là Francoise Montenay và Maureen Chiquet. Chanel đã thay đổi định kiến khi quyết định bổ nhiệm Leena Nair làm CEO mới. Leena Nair là một phụ nữ Ấn Độ và là một "kẻ ngoại đạo" của ngành thời trang xa xỉ.
Tất cả những điều đó khiến câu chuyện của Leena Nair càng trở nên nổi bật trong làng thời trang thế giới. "Chanel đang nắm bắt đúng xu hướng khi thu hút các nhân tài để trở thành CEO cho các công ty chuyên về hàng xa xỉ. Unilever và P&G được ví như một nơi chuyên đào tạo các nhà quản lý cấp cao tiềm năng", chuyên gia phân tích Luca Solca cho biết.
Trong bài đăng trên LinkedIn của mình, bà Nair chia sẻ: "Tôi rất khiêm tốn và vinh dự được bổ nhiệm làm CEO toàn cầu của Chanel, một công ty mang tính biểu tượng và được ngưỡng mộ. Tôi được truyền cảm hứng bởi những gì mà Chanel đại diện cho. Đó là một công ty tin tưởng vào tự do sáng tạo, vào việc nuôi dưỡng tiềm năng con người và hành động để có tác động tích cực trên thế giới".
Được đánh giá là một nữ doanh nhân hàng đầu, hiện tài sản của bà Leena Nair khoảng 1,5 triệu USD. Giải thưởng "Nữ doanh nhân vĩ đại của Anh" đã vinh danh Leena Nair là "Người thành công năm 2021". Bà Nair sẽ bắt đầu vị trí CEO Chanel vào tháng 1/2022.
Vào làm việc tại Chanel, số nhân viên bà quản lý sẽ là 27.000 người. Bà là người phụ nữ gốc Ấn thứ hai tiếp quản vị trí CEO của một công ty toàn cầu - trước đó là CEO của Pepsico, bà Indra Nooyi.
Xoá tan định kiến về phụ nữ da màu
Từ giảng đường đại học tới Unilever và cho đến khi bước chân vào Chanel, Leena Nair dường như đã quá quen với môi trường nơi nam giới luôn thống lĩnh. Leena Nair lớn lên ở Kolhapur (Maharashtra, Ấn Độ). Cô đã phải đấu tranh với nhiều điều cấm kị và thuyết phục gia đình cho phép mình theo đuổi bằng kỹ sư điện tử và viễn thông tại Đại học Walchand (Ấn Độ).
"Có khoảng 3.000 nam sinh và 18 nữ sinh ở trường kỹ thuật tôi từng học. Bốn năm đó đã khiến tôi trở nên vững vàng hơn, kiên cường hơn và tôi đã học được cách tìm cho mình con đường riêng giữa thế giới được nam giới thống trị", bà Nair kể.
Sau đó, bà tiếp tục theo học ngành MBA tập trung về mảng nhân sự. Ngay sau khi tốt nghiệp, bà đã làm việc tại nhiều nhà máy khác nhau tại Kolkata, Ambattur, Tamil Nadu và Taloja. Bà Leena Nair đã tạo dựng được danh tiếng cho bản thân trong suốt 30 năm làm việc tại Unilever. Bà bắt đầu công việc với vị trí thực tập sinh tại Unilever năm 1992. Nair là người phụ nữ đầu tiên làm ca đêm khi còn Hindustan Unilever Limited (HUL) và là người phụ nữ đầu tiên trong hội đồng quản trị. "Tôi đã học được nhiều bài học về nhà máy và dây chuyền sản xuất, hệ thống quản lý và tầm quan trọng của nghị lực. Nó đã giúp tôi có được vị thế như ngày hôm nay", bà Nair tâm sự.
Năm 2013, Leena Nair chuyển tới làm việc tại trụ sở chính của Unilever tại London (Anh) với vị trí Phó chủ tịch chịu trách nhiệm phát triển tổ chức toàn cầu. Năm 2016, ở tuổi 47, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên và người châu Á đầu tiên, cũng là người trẻ nhất đảm nhiệm vị trí Giám đốc nhân sự của Unilever và thành viên ban điều hành công ty, giám sát hơn 150.000 nhân viên.
Trong thời gian bà Leena Nair làm việc, Unilever được khen ngợi nhờ bình đẳng giới trong bộ máy quản lý toàn cầu và trả người lao động mức lương đủ sống trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Bà Nair cũng là thành viên hội đồng quản trị không điều hành của British Telecom và trước đây từng là giám đốc không điều hành của bộ phận chiến lược kinh doanh, năng lượng và công nghiệp của chính phủ Anh.
Sự xuất hiện của bà Leena Nair tại Chanel sẽ xóa tan những định kiến về phụ nữ da màu nói riêng, thu hẹp dần khoảng cách bất bình đẳng trong môi trường công sở thông qua các chính sách bà từng áp dụng rất thành công tại Unilever.