Kẻ tống tiền có IQ 120

14/09/2016 - 09:00
Trong 6 năm, hắn đã gây ra chuỗi các vụ tống tiền kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử hình sự Đức. Cảnh sát bó tay trước trí tưởng tượng, khả năng kỹ thuật và chiến thuật gây án thận trọng, tinh vi của thủ phạm. May sao nhờ có một chiếc xe đạp…

Tống tiền để khẳng định tài năng

Ngay từ nhỏ, Arno Funke đã ham thích hội họa. Lớn lên Funke theo học một trường đào tạo nhiếp ảnh, nhưng bỏ giữa chừng chuyển sang học nghề làm biển quảng cáo. Sau đó hắn liên tục tìm kiếm vận may trong những nghề đòi hỏi tính sáng tạo. Từ 1976 đến 1993, hắn hành nghề phóng viên nhiếp ảnh và họa sĩ tự do. Tuy đã tổ chức được một vài triển lãm nghệ thuật, nhưng hắn không trụ được trong nghề này. Vì không sống được bằng nghệ thuật, nên hắn kiếm tiền chủ yếu nhờ chân thợ sơn trong một xưởng sửa chữa ô tô.

Vì thiếu tiền và luôn tìm cách tự khẳng định mình, nên cuối những năm 1980 hắn quyết định tống tiền những trung tâm thương mại lớn. Năm 1988, Funke thực hiện vụ đầu tiên với Trung tâm thương mại KaDeWe ở Berlin. Hắn đặt bom và đòi 500.000 DM. Trái bom tự tạo nổ đêm 25/8/1988 gây thiệt hại 250.000 DM. Funke nhận được số tiền nửa triệu DM.

Năm 1992, sau khi tiêu hết tiền từ vụ đầu tiên Funke quyết định làm tiếp. Lần này hắn đòi tập đoàn Trung tâm thương mại Karstadt trả 1 triệu, sau tăng lên 1,4 triệu DM. Để người ta tin đây không phải là lời đe dọa xuông, hắn gây ra 5 vụ đánh bom và 1 vụ hỏa hoạn tại các trung tâm thương mại của tập đoàn này.

Vụ đầu tiên hắn cho nổ bom đêm 13/6/1992 tại một trung tâm thương mại ở Hamburg gây thiệt hại vật chất nặng nề. 3 tháng sau Funke gây tiếp một vụ nổ ở Bremen gây thiệt hại 6 triệu DM. Chỉ 1 tuần  sau đó hắn lại cho nổ thang máy của một trung tâm thương mại ở Hannover trong giờ mở cửa. May sao không một ai bị thương. Đầu tháng 11/1992 hắn cho nổ 1 trái bom cháy trong nhà kho của trung tâm tương mại ở Magdeburg. Giữa năm 1993, hắn lại cho bom nổ ở Bielefeld và tháng 12 năm đó hắn gây ra vụ đánh bom cuối cùng ở Berlin trong chiến dịch tống tiền tập đoàn Karstadt.

pha-an-nho-chiec-xe-dap-1.jpg
Funke khi ra tù và lúc bị bắt. 

Qua mặt cảnh sát 30 vụ 

Nhờ khả năng kỹ thuật nên Funke đã làm cảnh sát bị lạc đường và nhận trót lọt 30 lần tiền chuộc. Chiến thuật của hắn là gọi điện từ trạm điện thoại công cộng để đưa ra yêu cầu. Khi gọi điện, hắn mở máy ghi âm phát giọng nói được dựng trên máy tính. Vì biết được  thời gian các cuộc gọi, nên đã có lần cảnh sát huy động lực lượng giám sát 1.100 trạm điện thoại công cộng, một lần khác 3.900 trạm, nhưng đều vô ích. Số lượng cảnh sát được điều động lên đến nhiều ngàn người.

Lần nhận tiền chuộc ngày 29/10/1992, Funke đi xe đạp đến chỗ túi tiền được ném xuống từ một đoàn tầu chạy từ Berlin đến Charlottenburg. Tuy nhiên, vì linh cảm được nguy hiểm, nên hắn không nhặt túi tiền. Lúc đó, có 2 cảnh sát mật nhìn thấy hắn. Trong khi đuổi theo hắn, 1 cảnh sát trượt chân ngã. Funke cũng tránh được viên cảnh sát thứ hai, dù đường khá chật hẹp. Vụ này được báo chí giật tin là "cảnh sát trượt phải phân chó để thủ phạm chạy thoát".

Từ đầu năm 1993, cảnh sát theo dõi một cửa hàng điện tử trong nhiều tháng, vì cho rằng thủ phạm mua các linh kiện điện tử ở đây để lắp ráp công cụ gây án. Ngày 8/5/1993 Funke xuất hiện mua một chiếc đồng hồ hẹn giờ. Tuy cảnh sát phát hiện nghi vấn và theo sát Funke nhưng hắn vẫn lẩn được qua cửa thoát hiểm phía sau cửa hàng.

Trong vụ tống tiền ngày 19/4/1993 tại Berlin, Funke yêu cầu mang túi tiền chuộc đến đặt vào một cái thùng chuyên đựng cát rải chống trơn trong mùa đông nằm cạnh một ga xe điện. Tuy đã khám xét kỹ lưỡng nhưng cảnh sát vẫn không phát hiện ra, chiếc thùng được Funke đặt trên cửa cống thoát nước mưa, đã được hắn bịt lại bằng một lớp vữa mỏng. Funke còn cẩn thận lắp một micrô không dây vào chiếc thùng để giám sát. Sau khi nghe thấy tiếng túi tiền được đặt vào thùng và không thấy động tĩnh gì nữa, hắn nấp sẵn dưới cống đã đập vỡ lớp vữa mỏng lấy tùi tiền đi mà không ai hay biết gì. Để chuẩn bị cho lần nhận tiền này trước đó mấy ngày, hắn đã đóng giả làm thợ xây dựng sửa chữa ở đây.

Tiếp đến ngày 22/01/1994, Funke bố trí nhận số tiền chuộc 1,4 triệu DM. Qua điện thoại, hắn hướng dẫn người đưa tiền đến đoạn đường sắt đã bỏ hoang từ lâu, trên đó đã đỗ sẵn một chiếc xe goòng tự tạo của hắn. Gói tiền được đặt vào đó và chiếc xe được hắn điều khiển từ xa bằng vô tuyến chạy đi. Funke đợi cách đó 1 cây số. Cảnh sát rất khó truy đuổi, vì trời tối và không bao quát được khu vực hai bên đường ray. Tuy thế, Funke vẫn thận trọng gài nhiều dây diện qua đường tầu và nếu chạm phải những quả pháo thường dùng trong ngày Tết sẽ nổ.

pha-an-nho-chiec-xe-dap-2.jpg
 Cảnh sát giới thiệu thiết bị điện tử tự tạo của Funke để gây án.

Chiếc xe đạp "cứu tinh"

Cuối cùng, sau nhiều phi vụ kếch sù thì ngày 22/4/1994, Funke cũng đã bị bắt. 2 ngày trước hắn đã liên lạc điện thoại với công ty bị hắn tống tiền. Vì hắn luôn báo trước sẽ liên lạc lại, nên cảnh sát đã bổ vây các trạm điện thoại công cộng ở phía nam Berlin, nơi cảnh sát nghi Funke sẽ gọi điện thoại. Trong lúc theo dõi cảnh sát phát hiện một chiếc ô tô rất đáng ngờ, trong có một chiếc xe đạp Funke đã sử dụng khi nhận tiền chuộc trước đó 1 năm. Cảnh sát điều tra và phát hiện chiếc ô tô là chiếc xe được một người tên là Arno Funke thuê. Từ thời điểm đó, Funke bị theo dõi 24/24 giờ và khi gọi điện tống tiền từ một trạm điện thoại công cộng ngày 22/4 hắn đã bị bắt.

Tòa đã xử Funke 9 năm tù và bồi thường thiệt hại 2,5 triệu DM cho tập đoàn Karstadt. Sau 6 năm 4 tháng ngày 13/8/2000 Funke được ra tù, vì cải tạo tốt.

Funke đã gây thiệt hại 10 triệu DM. Đó là chưa kể khoản chi phí cao hơn rất nhiều nhà nước phải bỏ ra để điều động cảnh sát trong suốt 6 năm trời.
541776971.jpg
Arno Funke và chiếc xe đạp, manh mối để cảnh sát lần ra thủ phạm. 

Làm lại cuộc đời

Năm 2004 Funke một lần nữa thủ vai kẻ tống tiền trong show "người thật, việc thật" của Kênh 4 Đài truyền hình Anh.

Những tính toán tinh vi và cách thức tổ chức thực hiện các vụ nhận tiền chuộc cho thấy Funke thông minh hơn người bình thường. Trong hai lần test, Funke đã đạt chỉ số IQ 120 và thậm chí 145 (test không dùng ngôn ngữ) trong khi chỉ số IQ bình thường ở khoảng 90-110. Hắn được coi là người đa tài. Những trái bom tự tạo cho thấy hắn còn có một đôi tay khéo léo và hiểu biết sâu sắc về điện tử.

Sau khi ra tù, Funke làm họa sĩ vẽ tranh biếm họa cho một tờ tạp chí và một nhà xuất bản. Năm 1998 Funke xuất bản một quyển hồi ký và năm 2004 một quyển tranh biếm họa. Tháng 3/2007, Funke tham gia chương trình đa phương tiện trên sân khấu.

arno-funke-prueft-rechtliche-schritte-gegen-rtl.jpg
 Với tài năng của mình, sau khi ra tù Arno Funke trở thành người nổi tiếng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm