Người chồng ấy kể với Thanh Tâm, vợ anh gần như tiên phong trong việc sử dụng các dịch vụ xã hội và anh cũng là người đón nhận sáng kiến của vợ vô cùng hào hứng với sự tự hào vợ mình thuộc lớp phụ nữ hiện đại, tân tiến, không chê vào đâu được.
Đầu tiên là việc vợ anh phát hiện ra trong siêu thị có sẵn tất cả những gì cần cho một bữa ăn gia đình đã được sơ chế hay chế biến sẵn. Từ tôm rang, thịt kho, cá kho, cá rán, đậu rán đến thịt hến, ốc luộc sẵn, có cả nước luộc cùng các loại gia vị để nấu canh hến chua hay ốc nấu chuối đậu… Rồi cua xay sẵn, nem gói sẵn, các loại chả cá, chả mực, chả thịt… Rau củ quả các loại cũng không thiếu thứ gì. Và thay vào việc phải thức dậy sớm để đi chợ, thì giờ hết giờ làm buổi chiều, vợ anh chỉ mất công rẽ vào siêu thị để mua đồ ăn đã có sẵn hoặc vài món đã sơ chế, về cho vào nồi đun lên là xong. Riêng việc sử dụng các dịch vụ của siêu thị, anh sẵn sàng cho vợ điểm mười về sáng kiến cũng như tinh thần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho gia đình, chồng con dù giá thành thức ăn, rau củ quả đắt hơn “chợ cóc” kha khá.
Anh nói với Thanh Tâm, lúc đó thực lòng anh cảm phục vợ lắm. Nhưng chỉ được một thời gian thì vợ anh lại thay đổi dịch vụ mua thức ăn của siêu thị bằng việc mua đồ ăn của các quán cơm bình dân. Vợ anh bảo, đồ ăn ở siêu thị không phục vụ hoàn toàn từ A đến Z, vẫn nhiều món mình về phải tự nấu. Còn ở quán cơm bình dân thì mọi món ăn đã có sẵn. Cùng lắm về nhà chỉ phải cho vào lò vi sóng hâm nóng lại là xong. Vợ anh đã có “các”, số điện thoại của vài cửa hàng cơm uy tín. Chiều đến, chỉ việc gọi điện thông báo cho cửa hàng đặt món và báo khoảng giờ nào thì cho người mang đến tận nhà. Ban đầu, anh thấy sáng kiến đổi dịch vụ này của vợ cũng có lý, cô ấy lại đỡ thêm gánh nặng nội trợ, gần như không phải vào bếp nữa. Nhưng chỉ được vài ngày ăn thức ăn của quán cơm, anh cứ thấy uể oải, ăn không vào. Trưa nào cũng ăn thức ăn của quán cơm, giờ chiều về lại bị tra tấn thức ăn quán cơm, không chỉ mình anh mà vợ anh cũng không nuốt nổi nữa. Khi vợ cũng lên tiếng phàn nàn, anh mừng thầm chắc cô ấy sẽ bỏ loại dịch vụ gọi thức ăn sẵn của quán cơm hàng ngày, quay về nấu thức ăn nóng sốt, hợp khẩu vị cho cả nhà. Ai dè, sau một buổi tối lên mạng, tra tra, tìm tìm, đến đêm về phòng ngủ vợ anh khoe đã tìm được vài nhà hàng trong khu vực gần nhà, giá thành một bữa cơm gia đình không quá đắt. Rồi vợ anh tuyên bố sẽ chọn loại dịch vụ này. Thế là thay vì hàng tuần cả nhà mới ra ngoài ăn vào ngày nghỉ cuối tuần thì nay, chiều nào vợ chồng con cái cũng đi ăn nhà hàng. Thằng con trai năm tuổi của anh thì sướng điên. Vợ anh cũng hào hứng không kém. Chỉ có anh là thấy bất ổn. Bởi anh nhẩm tính với tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chừng hơn 15 triệu, mà mỗi bữa tối ít nhất cũng phải mất ba trăm ngàn như thế này, cứ dài dài thì phải làm sao đây?...
Người chồng bức xúc vì việc sử dụng các dịch vụ tiện ích của vợ (ảnh minh họa) |
Người chồng hỏi Thanh Tâm giờ anh phải làm gì để cho vợ anh trở về là người bình thường, đừng làm “nô lệ” cho các dịch vụ siêu tốc kiểu như thế? Xem ra mọi thứ đều giống con dao hai lưỡi. Người dùng dao không khéo, không tỉnh táo thì có ngày chính mình sẽ bị đứt tay. Câu chuyện của người chồng mà Thanh Tâm có dịp trò chuyện hi vọng giúp những ai quá tôn sùng các loại dịch vụ xã hội mà thiếu suy xét, kiểm tra, cân nhắc kỹ lưỡng nên xem lại mình.