Kết hôn giả để nhập quốc tịch nước ngoài, bị phạt thế nào?

Luật gia Tùng Lâm
16/06/2021 - 13:20
Kết hôn giả để nhập quốc tịch nước ngoài, bị phạt thế nào?

Ảnh minh họa

"Ở địa phương tôi đang có hiện tượng khá nhiều trường hợp lợi dụng việc kết hôn để nhập quốc tịch nước ngoài. Xin cho hỏi, những trường hợp này bị phạt thế nào?".

Trả lời: Kết hôn giả là một trong những hành vi bị cấm trong pháp luật Việt Nam.

Khoản 11, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 định nghĩa như sau:

Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Căn cứ định nghĩa này, có thể thấy, kết hôn giả là một trong những hành vi vi phạm pháp luật và gồm các đặc điểm sau đây:

- Đã thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Một trong hai bên hoặc cả hai bên đã vi phạm điều kiện kết hôn bằng việc lợi dụng kết hôn để thực hiện mục đích khác mà không phải muốn xây dựng gia đình. Trong đó, mục đích khác có thể kể đến:

Kết hôn giả để nhập quốc tịch nước ngoài, bị phạt thế nào? - Ảnh 1.

Có khá nhiều trường hợp lợi dụng việc kết hôn để nhập quốc tịch nước ngoài.

- Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài;

- Hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước;

- Đạt được mục đích khác không phải xây dựng gia đình.

Đồng thời, kết hôn giả cũng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, được nêu tại điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Từ những căn cứ trên, có thể khẳng định, kết hôn giả tạo vẫn đảm bảo về mặt thủ tục đăng ký kết hôn nên vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo quy định. Tuy nhiên, mục đích kết hôn không đảm bảo, không phải vì mục đích xây dựng gia đình nên kết hôn giả tạo là một trong những hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Như phân tích ở trên, kết hôn giả tạo để được nhập quốc tịch nước ngoài là hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ:

Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Do đó, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm d, khoản 2, Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể:

2. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

[...]

d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

Như vậy, người nào kết hôn giả tạo để nhập quốc tịch nước ngoài có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Không chỉ vậy, người vi phạm còn bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm này.

Ngoài ra, căn cứ vào Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nếu công chức, viên chức vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình, trong đó có kết hôn giả tạo thì có thể bị xử lý kỷ luật ở mức từ khiển trách đến buộc thôi việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm