Kết luận thanh tra bỏ qua sai phạm của Pepsico?

17/11/2016 - 14:52
Sản phẩm được sản xuất cả Bắc, Trung, Nam nhưng Pepsico Việt Nam chỉ ghi được sản xuất bởi công ty này mà không nói rõ xuất xứ hàng hóa. Theo luật sư, việc không ghi nơi sản xuất cụ thể là phạm luật nhưng kết luận của thanh tra lại bỏ qua sai phạm này.

Như báo PNVN đã đưa tin, sau hơn 2 tháng thanh kiểm tra, Thanh tra Bộ Y tế vừa chính thức công bố mức phạt đối với sai phạm của Công ty TNHH Suntory Pepsico Việt Nam (Công ty Pepsico VN) là 25 triệu đồng.

Nguyên nhân vì Công ty Pepsico VN (Cao ốc Sheraton, số 88 đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm nhưng chưa đầy đủ theo quy định (công ty chỉ thực hiện kiểm nghiệm định kỳ mang tính đại diện cho các dạng bao gói sản phẩm có cùng công thức và nội dung công bố).

Ngoài sai phạm này, trong rất nhiều danh mục thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh kiểm tra tại Công ty Pepsico VN (TPHCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Ninh), tất cả đều cho kết quả tốt.

pepsico-1.jpg
Những sản phẩm của Công ty Pepsico VN

Về nhãn mác của các sản phẩm, kết luận thanh tra nêu: Công ty sản xuất và kinh doanh 51 sản phẩm, trong đó có 33 sản phẩm thuộc nhóm nước giải khát, 17 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bổ sung và 1 sản phẩm nước đóng chai. Qua kiểm tra, đoàn thanh tra xác nhận “51/51 sản phẩm có nhãn phù hợp với nhãn công bố, được Cục An toàn thực phẩm xác nhận”.

Ngoài ra: “Công ty có 12 sản phẩm thực phẩm gia công tại 4 đơn vị khác. Về mặt pháp lý, Công ty Pepsico VN chịu hoàn toàn trách nhiệm sản phẩm”.

Kết luận trên đã gây ra nhiều tranh cãi bởi, trên tất cả các sản phẩm của Công ty Pepsico VN đều ghi: “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM”.

Theo Ls Trịnh Văn Thắng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội): “Việc các sản phẩm của Pepsico không ghi rõ nơi sản xuất là chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam về ghi nhãn hiệu”.

Cụ thể, tại Điều 11, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa phải có nội dung: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra, Điều 14 của Nghị định này về tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá còn quy định rõ: 1. Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó; 2. Hàng hoá được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu...

Bên cạnh đó, tại Điều 17 của Nghị định 89/2006/NĐ-CP có quy định về việc ghi xuất xứ hàng hóa như sau: Ghi "sản xuất tại" hoặc "chế tạo tại" hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hoá đó. Đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hoá đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá.

pepsico2.jpg
Cảc các sản phẩm của Pepsco đều không ghi cụ thể nơi sản xuất

Như vậy, việc các sản phẩm của Pepsico không ghi cụ thể nơi sản xuất cho từng loại sản phẩm là chưa đáp ứng được các nội dung bắt buộc của pháp luật.

“Pepsico có rất nhiều nhà máy trên cả nước cùng sản xuất một sản phẩm, có một số đơn vị gia công, vì vậy cần phải ghi rõ là sản phẩm nước giải khát nào được sản xuất tại cơ sở sản xuất nào, nhà máy nào. Tuy nhiên, công ty này đã không thực hiện việc đó do vậy Pepsico đã vi phạm điều 14 và điều 17 của Nghị định 89/2006/NĐ – CP của Chính phủ về nhãn hàng”, Ls Thắng nói.

Cũng theo Ls Thắng, Pepsico không thể nói rằng, vì “Công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm sản phẩm” của mình nên không cần ghi cụ thể nơi sản xuất. Cách giải thích trên là không thuyết phục. Việc pháp luật quy định phải ghi rõ tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất đối với từng sản phẩm là để quản lý tốt hơn theo hệ thống chất lượng, quy trình sản xuất đối với các sản phẩm trên thị trường. Từ đó, khi xảy ra vi phạm có thể dễ dàng tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập thông tin làm cơ sở để xử lý vi phạm. Đây cũng là một cách hữu hiệu để loại trừ hàng nhái, hàng giả và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về việc Công ty Pepsico không tuân thủ đúng quy định về việc ghi nhãn hàng hóa như trên, Ls Thắng cho biết: Pepsico có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của mình theo điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Mức phạt tùy theo giá trị hàng hóa.

Như vậy, theo ý kiến của luật sư Trịnh Văn Thắng, sai phạm của Công ty Pepsico VN là rất rõ ràng. Thế nhưng không hiểu vì sao trong kết luận thanh tra của Bộ Y tế công bố ngày 16/11, lại cho rằng: “51/51 sản phẩm có nhãn phù hợp”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm