Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, tôn vinh thương hiệu cam Hà Tĩnh

PV
17/11/2024 - 11:57
Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, tôn vinh thương hiệu cam Hà Tĩnh

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ hội viên, phụ nữ kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm vùng miền tại lễ hội

Lễ hội cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 cơ hội để Hà Tĩnh quảng bá, tôn vinh thương hiệu cam và một số nông sản, đặc sản của địa phương. Lễ hội cũng là cầu nối để người sản xuất, doanh nghiệp kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Sở Công Thương Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17/11 tại khu vực công viên Trần Phú, TP Hà Tĩnh.

Lễ hội cam và các sản phẩm Hà Tĩnh là hoạt động được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ cam và các nông sản đặc sản của tỉnh. Sau 6 năm triển khai Lễ hội đã tạo được sự lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm, hưởng ứng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và đông đảo bà con nhân dân, người tiêu dùng.

Lễ hội cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 có quy mô 100 gian hàng; trong đó, 87 gian của các huyện, thị, thành phố và 13 gian của 4 sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh. Một số địa phương có số lượng gian hàng lớn như: Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Sơn, Thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên… Các sản phẩm được giới thiệu tại lễ hội chủ yếu là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và nhiều đặc sản khác.

Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, tôn vinh thương hiệu cam Hà Tĩnh- Ảnh 1.

Sản phẩm cam được trưng bày tại Lễ hội

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho biết, cây cam là 1 trong số 15 cây trồng chủ lực của Hà Tĩnh, có mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Vì vậy, Lễ hội cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 là hoạt động thường niên nhằm quảng bá, tôn vinh thương hiệu cam và các sản phẩm đặc sản của tỉnh đến với người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hà Tĩnh hiện có hơn 7.300 ha cam; trong đó, có hơn 6.100 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt gần 70.000 tấn/năm. Đến nay, đã có 115 cơ sở sản xuất cam được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 680 ha và diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ là gần 80 ha. Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 166 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia; có 282 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đây là những sản phẩm có thế mạnh, có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm do phụ nữ làm chủ 

Tham gia Lễ hội, bà Lê Thị Cẩm Vân (Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Thảo Vân, huyện Hương Khê) cho biết Hợp tác xã mang đến nhiều sản phẩm cam đặc sản để trưng bày, giới thiệu tại đến khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đây là cơ hội để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm cam đến khách hàng trong và ngoài tỉnh. Năm nay, các sản phẩm cam mang đến lễ hội được chọn lựa kĩ càng, được dán tem truy xuất nguồn gốc và có mẫu mã, bao bì đẹp, sang trọng.

Kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, tôn vinh thương hiệu cam Hà Tĩnh- Ảnh 2.

Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ hội viên, phụ nữ kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm vùng miền tại Lễ hội

Thông qua Lễ hội sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi trồng, bảo tồn giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào sản xuất nhằm mở rộng diện tích trồng cam, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam và các sản phẩm Hà Tĩnh. Đồng thời, hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với sự đồng hành, hỗ trợ các hội viên phát triển sản xuất, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động như: phát động cuộc thi "Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa"; cuộc thi "Giới thiệu, quảng bá sản phẩm do phụ nữ làm chủ thông qua video/clip"; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho các mô hình kinh tế, ý tưởng khởi nghiệp, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung nguồn lực hỗ trợ các ý tưởng tiềm năng và các mô hình kinh tế; kết nối huy động nguồn vốn cho vay đầu tư phát triển kinh tế, khởi nghiệp; vận động, hướng dẫn các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm… 

Qua đó, tiếp tục kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại giữa các địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương người Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng sản xuất trong tỉnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm