Khách hàng cần cẩn trọng với các loại phí 'trên giời' khi đi máy bay

23/12/2018 - 12:09
Hành lý vượt quá 7 kg, khách buộc phải đóng thêm phí; mua vé trực tuyến “bỗng dưng” bị mặc định thêm nhiều khoản phí như phí bảo hiểm... Tất cả những điều này, nếu người tiêu dùng không lưu ý, rất có thể, bạn sẽ bị tính thêm một khoản phí không nhỏ khi đặt chân lên máy bay được cho là giá rẻ.
Siết chặt hành lý xách tay không vượt quá 7kg
 
Vừa qua, chị Nguyễn Nga bay từ Hà Nội và TP.HCM trên chuyến bay Vietjet Air. Khi đến cửa bay, chị Nga bị yêu cầu phải đóng thêm 500.000 đồng vì hành lý của chị lên đến 10 kg trong khi theo nguyên tắc, chị chỉ được mang hành lý xách tay không vượt quá 7kg.
 
Theo các nhân viên hãng bay, có không ít trường hợp khi làm thủ tục ở quầy checkin chỉ cân một túi hành lý đủ 7kg theo quy định, còn các túi xách tay mang theo khác thì không cân. Chính vì thế, có những trường hợp khi đến cửa ra máy bay, nhân viên hãng bay cân lại hành lý mới phát hiện dư rất nhiều so với quy định.
 
Để siết chặt vấn đề hành lý, vừa qua, hai hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific đã đưa ra qui định, hành lý xách tay phải không quá 7kg, nếu vượt quá số quy định này, khách hàng buộc phải đóng thêm phí, số kg dư sẽ chuyển xuống khoang hành lý ký gửi.
img_6070.jpg
Có không ít trường hợp khi làm thủ tục ở quầy checkin chỉ cân một túi hành lý đủ 7kg theo quy định, còn các túi xách tay mang theo khác thì không cân.
Đối với Vietjet Air, ở đường bay quốc nội, từ ngày 20/11/2018, mức phí quá cước là 500.000 đồng/15kg. Đối với đường bay quốc tế, mức áp dụng mới là 950.000 đồng-1,1 triệu đồng/20kg.
 
Với Jetstar Pacific, phí cước nội địa với hành lý quá quy định là 500.000 đồng/15kg, với đường bay quốc tế là 1 triệu đồng/15kg.
 
Với hành lý xách tay 7kg, mỗi khách có một kiện hành lý tính riêng, không được cộng dồn, bù trừ với nhóm đi cùng.
 
Tuy nhiên, đây là mức phí hành lý quá quy định thu tại cửa lên máy bay. Còn nếu hành khách mua tại quầy thì mức sẽ rẻ hơn. Cụ thể, mức phí hành lý quá cước của các hãng thu tại quầy làm thủ tục ở quốc nội nằm trong khoảng 360.000 đồng, quốc tế là 750.000 đồng.
 
Nhiều đại lý vé máy bay khuyến cáo, hành khách không nên nhồi nhét thêm hành lý xách tay trong mọi trường hợp, đặc biệt dịp Tết sắp tới.
 
Mua vé 4 triệu, thanh toán mất... hơn 5 triệu
 
Chị Vân Anh sau khi book vé bay trực tuyến chiều Đà Nẵng – Hà Nội cho cả gia đình gồm 2 người lớn và 1 trẻ em với tổng chi phí hết 4 triệu nhưng đến lúc thanh toán, chị tá hỏa phát hiện, tổng số tiền cho cả 3 vé máy bay của gia đình mình đội lên đến hơn 5 triệu đồng. Rất may, chị Vân Anh kịp kiểm tra lại và phát hiện, chị đã vô tình “chấp nhận” rất nhiều các khoản phí khác như phí chọn chỗ, phí hành lý nhiều kg...
dat-mua-ve-may-bay-truc-tuyen-gia-tot-21-2-2017.png
Cẩn trọng với những khoản phí "mặc định" khi mua vé máy bay online

 

Ghi nhận trên website của Vietjet Air, khi đặt vé hãng đã mặc định chọn trước gói hành lý 20kg và phí bảo hiểm du lịch. Tương tự, Jetstar Pacific cũng mặc định khách là 25kg hành lý với giá 245.000 đồng với dòng chữ “tiết kiệm hơn 69% giá tại sân bay” và cũng tự động chọn thêm chỗ ngồi với giá 30.000 đồng/khách, và 55.000 đồng phí bảo hiểm du lịch. Còn Vietnam Airlines thu phí bảo hiểm du lịch cao hơn với mức thu 88.000 đồng/vé.
 
Về vấn đề này, đại diện Jetstar Pacific thì cho rằng, hệ thống bán vé máy bay điện tử của Jetstar Pacific được sử dụng chung với hệ thống Jetstar toàn cầu, các tính năng bán vé của Jetstar Pacific được phát triển dựa trên các nghiên cứu về thói quen tiêu dùng của khách hàng, tính tiện lợi trong thao tác đồng thời đã bảo đảm minh bạch thông tin.
 
Còn cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đều khẳng định, nhu cầu của hành khách về hành lý và bảo hiểm là đa dạng, khách hàng nào không có nhu cầu, có thể tháo bỏ gói hành lý và bảo hiểm mà không gặp trở ngại gì.
 
Vì thế, theo các chuyên gia, không chỉ hàng không, khách hàng mua sắm trực tuyến cần đọc kỹ các thông tin ở khâu thanh toán để tránh bị trừ các khoản phí không mong muốn.
 
Hàng không giá rẻ kiếm lời từ... phụ phí
Trong báo cáo phát hành hồi tháng 9/2018, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới cung cấp giá vé rẻ và kỳ vọng thu về doanh thu từ phí hành lý.
 
Theo đó, doanh thu từ phí hành lý chiếm phân nửa tổng doanh thu phụ trợ của các hãng hàng không giá rẻ trong năm 2017. Cụ thể, doanh thu từ phí hành lý chiếm 47% doanh thu phụ trợ của EasyJet, 67% doanh thu phụ trợ của Hongkong Express; tại Spirit là 40% và tại WOW Air là 66%.
 
Dịch vụ chọn chỗ ngồi đang ngày càng trở thành một nguồn đóng góp doanh thu chính. Khoản này đóng góp khoảng 7% doanh thu phụ trợ của Easy Jet trong năm 2017, đóng góp cho Hongkong Express tới 12%, cho Spirit là 11% và đóng góp cho WOW Air 8%.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm