pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khách hàng có thể bị "gánh" nhiều phí khi dùng chữ ký số giao dịch ngân hàng
Ảnh minh họa
Bất hợp lý khi khuyến khích giao dịch không tiền mặt nhưng lại tính phí chữ ký số
Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó có việc thúc đẩy chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử. Theo Dự thảo Nghị định về Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, mỗi giao dịch ngân hàng điện tử như gửi tiền, vay tiền, mua bán ngoại tệ… đều cần phải có chữ ký số và đều phải mất tiền để duy trì chữ ký này.
Chị Huỳnh Thị Mai Anh (38 tuổi, ở Trần Duy Hưng, Hà Nội) vừa tìm hiểu nội dung của Dự thảo đã đặt câu hỏi về tính bảo mật: "Hiện tại, trong giao dịch ngân hàng, chúng ta dùng chữ ký thật mà vẫn xảy ra nhiều vụ lừa đảo, mất tiền. Vậy khi triển khai chữ ký điện tử thì ngành ngân hàng sẽ có phương án nào đảm bảo an toàn cho người dân giao dịch?".
Còn chị Trần Minh Hà (45 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, chữ ký số còn bị tính phí nên sẽ phát sinh thêm phí khi khách hàng giao dịch. Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking để giao dịch… thì việc phát sinh thêm chi phí với người dân khi giao dịch ngân hàng như vậy là không hợp lý.
Được biết, hiện có khoảng 10 đơn vị được cấp phép cung cấp chữ ký số trên thị trường. Chi phí trung bình mua chữ ký số theo gói là 800.000 đồng/năm và mua lẻ là 2.500 đồng/lần ký.
Theo bà Phan Thị Hồng Thuý, Giám đốc pháp chế, Ngân hàng MUFG Việt Nam, hiện tại, khi sử dụng chữ ký số để nhúng vào hệ thống ngân hàng sẽ có sự không tương thích về mặt hệ thống.
Về chi phí, ngân hàng cũng phải chi một phần chi phí cho doanh nghiệp cung cấp chữ ký nên việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng vì họ phải chịu chi phí đó. Về rủi ro hoạt động ngân hàng thì hiện chưa có sự kiểm nghiệm về tính bảo mật khi ngân hàng chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng với bên thứ 3.
"Không nên áp đặt chữ ký số cho mọi giao dịch"
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện số lượng khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng sử dụng chữ ký số chiếm khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Nguyên nhân của vấn đề này trước tiên là do chi phí mua chữ ký số còn khá lớn, dẫn đến sự e ngại của nhiều khách hàng khi cảm thấy chưa quen với chữ ký số và lo lắng về giá trị pháp lý hay khả năng xảy ra tranh chấp.
Góp ý cho Dự thảo nghị định về chữ ký điện tử, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, chữ ký điện tử là văn minh, đảm bảo an toàn nhưng nếu áp dụng chữ ký điện tử cho tất cả các giao dịch trong ngân hàng thì khách hàng phải thanh toán các khoản phí để được cấp, duy trì hiệu lực của chữ ký số với số tiền lớn.
"Luật giao dịch điện tử đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức, trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn. Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần có chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các quy định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Do đó, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đồng tình với việc mỗi người dân nên có một chữ ký số trong việc giao dịch ngân hàng, song cần xem xét trong bối cảnh thực tiễn như cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng của người dân để không làm xáo trộn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và giao dịch thông thường của người dân.
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam kiến nghị, trước mắt không nên bắt buộc người dân phải thực hiện chữ ký số với mọi giao dịch.