Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XII

PV
24/12/2020 - 09:16
Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XII

Thay mặt Thường trực Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga nhận lẵng hoa chúc mừng từ ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa

Ngày 24/12/2020, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XII, đã khai mạc tại TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa). PNVN xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu khai mạc Hội nghị của Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga.

Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam diễn ra vào thời điểm Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành TW Đảng khoá XII diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng và phụ nữ cùng nhân dân cả nước đang tích cực thi đua chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong suốt năm 2020, với chủ đề "Giữ trọn niềm tin theo Đảng", các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, mang dấu ấn riêng để chào mừng và đóng góp vào thắng lợi của Đại hội Đảng các cấp như các công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tham mưu công tác cán bộ nữ và cao điểm là đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XIII với 1,2 triệu lượt ý kiến. Chúng ta phấn khởi khi tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ các cấp đều tăng so với chỉ tiêu của Chỉ thị 35-CT/TW và cao hơn so với nhiệm kỳ trước từ 2 đến 3% (1), đặc biệt cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước vui mừng và tự hào khi nhiệm kỳ ĐH Đảng lần này có tới 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy. Đây chính là sự đánh giá, ghi nhận, sự tin tưởng giao nhiệm vụ của Đảng đối với phong trào phụ nữ cán bộ nữ.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XII - Ảnh 1.

Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam trân trọng tặng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng chiếc bình gốm Chu Đậu - một sản phẩm văn hóa đặc sắc của Việt Nam

Năm 2020 cũng là một năm đầy biến động với nhiều loại hình thiên tai mà nghiêm trọng nhất là đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung; dịch bệnh mới nổi như COVID-19 cùng với dịch bệnh tái bùng phát như dịch bạch hầu ở Tây Nguyên đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhưng chính trong những thách thức và khó khăn đó, cán bộ Hội các cấp đã nhìn thấy "trong nguy có cơ", rất sáng tạo và linh hoạt điều chỉnh cách thức tổ chức hoạt động, mạnh mẽ chuyển đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến, sử dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên internet của Hội để cung cấp thông tin kịp thời, đúng, đủ cho người dân, nhân rộng các cách làm rất thiết thực, rất "phụ nữ" như thành lập các đội xung kích nấu cơm hỗ trợ khu cách ly, làm móc cài khẩu trang, kính chắn giọt bắn tặng các lực lượng tuyến đầu chống dịch v.v., qua đó góp phần không nhỏ vào thành tích bước đầu ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng của nước ta. Đặc biệt, các cấp Hội với phương châm "4 tại chỗ" đã phát huy mạnh mẽ vai trò của hội viên, phụ nữ cả nước trong phòng chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả thiên tai. Con số 92 tỷ đồng và gần 54 tỷ đồng giá trị tiền và hàng hoá hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung có lẽ mới chỉ nói lên được phần nào những đóng góp của phụ nữ cả nước trong năm 2020, nhưng điều đáng ghi nhận hơn, đó là qua khó khăn, các tầng lớp phụ nữ, từ già đến trẻ, từ trí thức đến nông dân, công nhân, từ mọi miền tổ quốc, mọi tôn giáo, dân tộc một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của chính phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch TW Hội, tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực của các chị Uỷ viên Ban Chấp hành và cán bộ Hội các cấp, biểu dương tinh thần hăng hái thi đua, phát huy nội lực của hội viên, phụ nữ cả nước để có được kết quả trên.

Năm 2020 là năm kỷ niệm 90 năm thành lập, là mốc quan trọng để nhìn lại lịch sử hào hùng do các thế hệ cán bộ, hội viên, phụ nữ không tiếc máu xương xây dựng. Trong năm, nhiều hoạt động giáo dục chính trị, lịch sử, về nguồn, tri ân đã được tổ chức trong cả nước, qua đó, mỗi cán bộ Hội ngày hôm nay thêm tự hào và nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm phải phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với các thế hệ đi trước. Năm nay cũng là bản lề khi chúng ta vừa phải gấp rút hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ, đồng thời chuẩn bị tổ chức Đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Trong hội nghị Ban chấp hành hôm nay, chúng ta sẽ dành thời gian và trách nhiệm, tâm sức để đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Phụ nữ toàn quốc XIII – văn bản có tính chiến lược, định hướng cho hoạt động của các cấp Hội không chỉ trong nhiệm kỳ mới mà còn lâu dài hơn, hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập Hội.

Trong quá trình thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ sắp tới, chúng ta cũng cần lưu tâm đến một số vấn đề đang đặt ra.

 - Trước hết là về cán bộ. Sau Đại hội Đảng các cấp, cán bộ Hội thay đổi nhiều nên việc tiếp cận và tổ chức các hoạt động của Hội không tránh khỏi những lúng túng, khó khăn (2). Trong khi đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn (3) cũng làm không ít chị em cán bộ thiếu an tâm công tác, chưa thật sự tập trung trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của Hội. Tình trạng một số chi hội trưởng xin thôi tham gia hoạt động Hội do việc sắp xếp, sáp nhập xã, thôn, bản theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ đang diễn ra, đặc biệt ở địa bàn miền núi, địa bàn khó khăn đã ảnh hưởng đến việc tổ chức sinh hoạt của chi Hội (4). Thực tế này đòi hòi các chị Uỷ viên Ban chấp hành TW Hội trong quá trình chỉ đạo tổ chức Đại hội phụ nữ các cấp, bên cạnh việc xác định các giải pháp triển khai nhiệm vụ công tác Hội phù hợp với tình hình mới, phải chủ động làm việc với cấp uỷ, chính quyền địa phương để quan tâm làm tốt công tác cán bộ, có giải pháp quyết liệt để kiện toàn, phát huy vai trò đội ngũ chi hội trưởng và thu hút, tập hợp các  đối tượng phụ nữ đặc thù không theo địa bàn hành chính.

- Về phương thức tổ chức hoạt động Hội. Mặc dù trong thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo triển khai nhưng vẫn còn biểu hiện "hành chính hoá", cấp dưới thụ động, trông chờ hướng dẫn tác nghiệp từ cấp trên. Gần đây, đặc biệt trong năm 2020, chúng ta đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác thế mạnh của mạng xã hội trong hoạt động nhưng trong xu thế xây dựng "quốc gia số", để phụ nữ không bị tụt hậu trong "nền kinh tế số", chắc chắn việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin - bước sơ khai của quá trình chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc với mỗi cấp Hội. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được xác định là một khâu đột phá trong dự thảo văn kiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc XII và chúng ta sẽ phải làm ngay từ năm 2021, trong quá trình tổ chức Đại hội phụ nữ các cấp.

Thưa các đồng chí!

Theo chương trình, Hội nghị Ban Chấp hành lần này có rất nhiều nội dung quan trọng đối với hoạt động Hội năm 2021 cũng như chuẩn bị cho Đại hội Phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Để chuẩn bị cho Hội nghị Ban Chấp hành lần này, ngay tuần đầu tháng 12/2020, Đoàn Chủ tịch TW Hội cũng đã tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 10 để xin ý kiến của các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch, đại biểu các ban Đảng vào các dự thảo văn bản trình Hội nghị Ban Chấp hành lần này. Sau Hội nghị,  Đoàn Chủ tịch đã nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu vào các dự thảo văn bản để trình Hội nghị Ban Chấp hành.

Đoàn Chủ tịch mong muốn và đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến thẳng thắn, chất lượng để Đoàn Chủ tịch tiếp tục hoàn thiện, ban hành sau Hội nghị.

Đoàn Chủ tịch mong muốn được nghe các ý kiến chỉ đạo, góp ý của các đồng chí đại biểu đến từ các Ban Đảng, các bộ ngành, để Đoàn Chủ tịch có thêm nhiều ý kiến hoàn thiện văn bản.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố Khai mạc Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 10 khóa XII. Kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể chị em luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!


[1]  Tỷ lệ cấp ủy viên nữ cấp cơ sở đạt 21% tăng 2%, cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%; đảng bộ trực thuộc TW đạt 16%, tăng 3%

[2] Bắc Kan, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hà Nam, Hải Phòng, Hòa Bình, Đồng Nai

[3] Đến tháng 6/2020, cả nước có 1.054 đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 42 tỉnh/thành thực hiện sắp xếp lại (trong đó 546 thuộc diện phải sắp xếp, 111 đơn vị thuộc diện khuyến khích, 397 đơn vị liền kề có liên quan sắp xếp). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm 560

[4] Theo Báo cáo của các tỉnh/thành; Long An, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Ninh Thuận, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Quảng Trị, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm