Bắt đầu từ quy mô phân tích thử nghiệm khoảng 30 mẫu hài cốt liệt sĩ/năm từ trước năm 2000, Viện Công nghệ sinh học là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công công nghệ phân tích ADN các mẫu hài cốt liệt sĩ, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị khác.
Từ năm 2000-2011, Viện Công nghệ sinh học đã giám định gần 1.000 hồ sơ liệt sĩ và định danh được hơn 800 liệt sĩ. Giai đoạn 2011-2015, trung bình hàng năm Viện định danh được 400 mẫu hài cốt liệt sĩ.
Mặc dù có những thành công bước đầu nhưng công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ phải đối mặt với nhiều thách thức khi các mẫu hài cốt hiện tại đều có tuổi từ 40-100 năm khiến chất lượng mẫu không ngừng giảm sút. Thời gian, công sức, kinh phí phân tích mẫu tăng nhiều lần so với thời điểm những năm đầu thực hiện. Trên thị trường không có bộ quy trình phù hợp với các mẫu hài cốt liệt sĩ của Việt Nam, buộc Viện Công nghệ sinh học phải tối ưu, phát triển các bộ quy trình khác nhau, tham khảo, tiếp cận các nghiên cứu mới nhất của thế giới trong lĩnh vực này cũng như sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Vì vậy, yêu cầu nâng cấp Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đặt ra hết sức cấp bách.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 150 “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”, theo đó Viện Công nghệ sinh học, Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng), Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) là ba đơn vị chủ chốt được giao nhiệm phân tích ADN để định danh các mẫu hài cốt liệt sĩ.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa giám định ADN trở thành khâu bắt buộc trong quy trình định danh hài cốt liệt sĩ thông qua phân tích hài cốt và đã cho phép Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng 3 trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ với quy mô đầu tư trên 200 tỷ đồng/trung tâm, bảo đảm năng lực phân tích 4.000 mẫu/năm. Đây là bước đánh dấu sự phát triển vượt bậc về mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ tại Việt Nam.
Thăm Trung tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cùng các đơn vị liên quan hết sức tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các chuyên gia, nghiên cứu viên, đặc biệt là những cán bộ trẻ, để nhanh chóng tiếp cận các trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực giám định ADN.
Bên cạnh nhiệm vụ giám định ADN cho hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Viện Công nghệ sinh học, Trung tâm cần chủ động tìm tòi những hướng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển mới lĩnh vực giám định gen phục vụ các hoạt động khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.