Thuật ngữ mummy (ướp xác) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Latin cổ mumia, từ mượn trong tiếng Ả Rập, có nghĩa “bitum”. Điều này xuất phát từ tích, người Ai Cập cổ đã dùng bitum (nhựa đường) cho ướp xác. Thuật ngữ mummy còn liên quan tới một từ khác trong tiếng Ba Tư, mum-nghĩa là sáp mà người Ba Tư thỉnh thoảng dùng để ướp xác các vị vua chúa, quý tộc bằng sáp ong, nhưng ở Ai Cập thì không có tục lệ này.
Xác ướp là một người hoặc động vật có da với các cơ quan đã được bảo quản bằng cách tiếp xúc cố ý hoặc ngẫu nhiên với hóa chất, ở nhiệt độ cực lạnh như trên đỉnh núi cao, độ ẩm rất thấp (sa mạc) hoặc nơi thiếu không khí (như trong đầm lầy) khiến việc phân hủy bị ức chế hoặc dừng hẳn.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy xác ướp của người và động vật khác ở khắp nơi trên toàn thế giới, nó được xem là những hiện vật văn hóa, có giá trị cao về mặt lịch sử và khảo cổ. Đến nay đã có hơn 1 triệu xác ướp động vật được tìm thấy ở Ai Cập, trong đó có rất nhiều mèo. Xác ướp tự nhiên lâu đời nhất là một cái đầu người bị cắt đứt vào khoảng 6.000 năm trước, được tìm thấy vào năm 1936 tại Inca Cueva, Nam Mỹ.
Ngoài các xác ướp nổi tiếng của Ai Cập cổ đại, ướp xác có chủ đích là một phong tục của nhiều nền văn hóa cổ đại ở khu vực Nam Mỹ và châu Á nơi có khí hậu khô, hanh thuận tiện cho việc bảo quản xác. Hiện nay có khoảng hơn 1.000 xác ướp ở Tân Cương, Trung Quốc. Một trong những xác ướp cổ nhất có tên Chinchorro được tìm thấy trong thung lũng Camarones, Chile có niên đại khoảng 5050 trước Công nguyên.
Trong thế giới xác ướp, xác ướp Ai Cập cổ đại được xem là nổi tiếng và hoàn hảo nhất. Theo văn hóa và quan niệm của người Ai Cập, cơ thể chỉ là nơi trú ngụ của linh hồn, nên linh hồn có thể tồn tại ngay sau khi hồn lìa khỏi xác. Người Ai Cập ướp xác theo kiểu mổ bụng, bỏ đi nhiều phần nội tạng, sau đó thân thể được phủ bằng natron, để tăng tốc quá trình khử nước và ngăn chặn phân hủy. Còn người Trung Quốc, xác được bọc trong quan tài bằng cây bách và những loại thảo mộc có dược tính khác. Cuối cùng xác ướp được hình thành như là kết quả của một quá trình giống môi trường tự nhiên, như cực lạnh, làm khô tự nhiên như được tìm thấy ở Inca, Peru....
Bí ẩn xác ướp phụ nữ 2.100 năm ở Trung Quốc
Y văn thế giới từng nhắc đến xác ướp của Pharaoh Ai Cập Tutankhamun, một trong những xác ướp được bảo quản tốt nhất thế giới xưa và nay. Nhưng theo tạp chí Listverse (Anh) số cuối tháng 4/2017, kỷ lục này đã bị xô đổ bởi xác ướp của một phụ nữ Trung Quốc có tên Xin Zhui, niên đại vào năm 178 trước Công nguyên, có nghĩa đã tồn tại trên 2.100 năm, thuộc triều đại nhà Hán, phát hiện thấy tại vùng Mawangdui, Hồ Nam năm 1971.
Xin Zhui qua đời ở tuổi 50 cách đây hơn 2.100 năm nhưng khi được tìm thấy thì trông như mới chết. Quan tài của Xin Zhui được tìm thấy ở độ sâu 15 mét dưới lòng đất với 4 quan tài lớn nhỏ bao quanh từ trong ra ngoài. Tiếp đến là hàng tấn lớp than và ngoài cùng là đất sét. Người phụ nữ này được liệm tới 22 chiếc váy với 9 dải ruy băng. Yếu tố bí ẩn nhất của xác ướp Xin Zhui chính là chất lỏng bảo quản có tính acid đã được người xưa sử dụng để giữ cho cơ thể mềm mại.
Với bí quyết ướp xác của người Trung Hoa cổ, dù đã trải qua 2.100 năm nằm trong lòng đất nhưng Xin Zhui vẫn còn rất nguyên vẹn, làn da vẫn mềm mại, còn cả tóc và lông mi, tay có thể gập duỗi. Khám nghiệm tử thi cho thấy Xin Zhui mắc bệnh thừa cân, đau lưng, huyết áp cao, tắc động mạch, bệnh gan, sỏi mật, tiểu đường và tim suy yếu nặng, thậm chí các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra rằng món ăn mà người phụ nữ này dùng trước khi qua đời là dưa hấu.
Người châu Âu sử dụng Cinnabar để ướp xác
Một trong những xác ướp lâu đời nhất được bảo tồn nhân tạo được tìm thấy ở châu Âu là xác ướp “La Velilla’ ở Osorno Palencia, Tây Ban Nha. Xác ướp có niên đại khoảng 5.000 năm, trong đó Cinnabar được nghiền nát dùng cho mục đích bảo quản.
Theo các nhà khảo cổ, mặc dù việc ướp xác dường như không phổ biến tại thời điểm này ở châu Âu nhưng trường hợp trên được xem là cố ý. Một trong những đầu mối quan trọng nhất là không tìm thấy mỏ Cinnabar nào gần với khu vực chôn cất. Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm kg Cinnabar được xếp chồng lên thi thể người quá cố.
Cinnabar hiểu theo tiếng Việt là chu sa hay đan sa, xích đan... khoáng vật sunfua, công thức hóa học HgS, màu đỏ ánh nâu, có sẵn có trong tự nhiên và chứa hàm lượng thủy ngân cao dưới dạng sulfua thủy ngân. Tại châu Âu, Cinnabar được khai thác từ thời đế quốc La Mã để làm chất màu hay để sản xuất thủy ngân và là quặng chính cung cấp thủy ngân trong nhiều thế kỷ.
Cinnabar thường được sử dụng trong các ngôi mộ chôn cất hoàng gia của người Maya trong thời kỳ đỉnh cao của nền văn minh này. Một viên đá đỏ (chứa chu sa) được chèn vào trong quan tài bằng đá vôi, có tác dụng trang trí và quan trọng hơn là nhằm chống lại hành động phá hoại hay trộm mộ.
Cách ướp xác của người hiện đại
Một trong những phương pháp đầu tiên được người hiện đại sử dụng bảo toàn xác là dùng formaldehyde. Hợp chất hóa học này được phát hiện bởi nhà hóa học người Đức August Wilhelm von Hofmann những năm 60 của thế kỷ 19 và được xem là một chất nền. Sau khi chất lỏng và khí được rút hết khỏi cơ thể, người ta tiêm formaldehyde vào rồi sấy khô hoặc lạnh đông.
Một số xác ướp sau đó được phun qua một hỗn hợp sáp để hạn chế nước ngấm vào trong và giúp ngăn chặn vi khuẩn thâm nhập. Phương pháp dùng formaldehyde là cách phổ biến nhất để bảo vệ thi hài hiện nay. Người ta tiên đoán, sớm muộn kỹ thuật này sẽ được thay thế do độc tính của formaldehyde gây bất lợi cho môi trường.
Ngoài ướp xác, khoa học hiện đại còn sử dụng một công nghệ mới, công nghệ lạnh đông để bảo quản thi thể với hy vọng hồi sinh. Công nghệ lạnh đông (Cryonics) hiện đã và đang được thương mại hóa, thực chất là bảo quản thi thể người chết trong thùng chứa nitơ lỏng. Nhiều khách hàng nổi tiếng và giàu có đang sử dụng dịch vụ này, hy vọng khi khoa học phát triển sẽ chữa được những căn bệnh nan y mà họ mắc phải, đặc biệt là bệnh ung thư như ông trùm Walt Disney hay 2 bố con cầu thủ bóng chày Ted Williams...
Một trong những cơ sở lạnh đông tiên phong là Viện lạnh đông (Cryonics Institute-CI) ở Michigan (Mỹ). CI được thành lập năm 1976 bởi Robert Ettinger, người có niềm đam mê trong lĩnh vực bảo vệ sự sống bằng công nghệ làm lạnh triệt để nên ông đã được tôn vinh là cha đẻ của kỹ thuật tái thế Cryonics.
Theo CI, công nghệ Cryonics có thể tóm tắt như sau: Ngay sau khi xác nhận người muốn lạnh đông tử vong hợp pháp, CI sẽ tiếp nhận thi hài và gắn thiết bị hô hấp tim để ngăn ngừa quá trình tự hoại. Sau khi tim ngừng đập 1-2 phút quy trình lạnh đông phải được tiến hành ngay. Thi thể được làm lạnh đến 100C, kéo dài 2-3 giờ, sau đó máu được thay bằng dịch lạnh đông, dịch chống đóng băng để ngăn ngừa quá trình hình thành băng trong cơ thể khi ngủ đông.
Trong 3-4 ngày tiếp theo, thi thể được đặt trong túi chứa chịu nước được làm lạnh từ từ xuống âm 700C bằng carbon dioxide (CO2), mà người ta quen gọi là đá khô. Cuối cùng, thi thể chứa trong bình đá khô được bảo quản trong môi trường nitơ lỏng, lạnh tới âm 1960C.
Cũng theo CI, Cryonics không thể khôi phục lại cuộc sống cho những người mà não bộ đã bị phá hủy hoàn toàn về thể chất, những ai não còn nguyên vẹn thì việc hồi sinh mới mang tính khả thi.