Sau khi nghiên cứu ADN của 300.000 người, các nhà khoa học ở Đại học King (Anh) và Trung tâm Y khoa, Đại học Erasmus, ở Rotterdam, Hà Lan (gọi chung Nhóm nghiên cứu) đã phát hiện ra 124 gene ảnh hưởng tới màu tóc hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất và phân bố sắc tố tự nhiên hay tác động tới các cơ chế sinh học khác mà khoa học vẫn chưa lý giải hết. Đến nay màu tóc, màu da, hay màu mắt được xem là những “khía cạnh” vô cùng bí ẩn, thách thức khoa học nói chung và y học nói riêng.
Thông thường, màu tóc là một trong những đặc điểm mang tính di truyền. Bằng chứng, qua nghiên cứu, khoa học phát hiện thấy di truyền ảnh hưởng lên tới 97% màu tóc. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, y học mới chỉ giải mã khoảng 13 gene ảnh hưởng tới màu tóc.
Theo nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Nature Genetics số ra tháng 4/2018, nhóm nghiên cứu ở Anh và Hà Lan đã khám phá ra 124 gene. Với phát hiện này, hi vọng sẽ mở ra những triển vọng cho ngành an ninh, tìm ra nghi phạm từ AND hay dùng cho điều trị các căn bệnh nan y, kể cả ung thư hiện chưa có thuốc đặc trị.
Theo GS Tim Spector, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Đại học King, 124 gene liên quan đến màu tóc vừa được tìm thấy đại diện cho 35% trường hợp tóc hung, 25% tóc vàng và 26% tóc đen. Tương lai, việc tìm kiếm phạm nhân qua dấu hiệu di truyền sẽ có kết quả chính xác hơn so với kiểm tra pháp y truyền thống. Phương pháp này chỉ phù hợp với tóc hung và đen, còn nâu và vàng lại khó dự đoán hơn.
Thực tế, kiểm tra pháp y màu tóc rất phức tạp, nhất là ở nhóm trẻ khi sinh ra có tóc vàng nhưng vài năm sau lại chuyển sang màu nâu. Tuy sự thay đổi này là do gene nhưng khoa học lại không biết cụ thể gene nào lại là thủ phạm chính. "Chỉ cần vết máu để lại hiện trường, ngành an ninh sẽ biết thủ phạm là ai, người đó tóc đen hay tóc hung, với độ chính xác tới 90%", GS Tim Spector khẳng định.
Sắc tố tự nhiên, ảnh hưởng đến màu da và tóc liên quan tới hai loại melanin do các tế bào của cơ thể tạo ra. Cũng có giả thiết cho rằng, trong quá trình tiến hóa, màu da của con người trở nên sẫm màu hơn để bảo vệ chống lại bức xạ tia cực tím. Riêng người châu Âu và châu Á, trong quá trình tiến hóa có làn da sáng hơn là do họ di chuyển dần về phía vĩ độ phía Bắc.
Qua nghiên cứu, khoa học phát hiện thấy, màu tóc là “hàn thử biểu” về bệnh tật mà người trong cuộc mắc phải. Ví dụ, tóc đang đen mà chuyển màu nâu hoặc hanh vàng là dấu hiệu suy chức năng tuyến giáp, suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt, cơ thể mất melanin...
Nếu tóc đang đen, chuyển xám, nhất là xám trắng sau tuổi 40, thường là dấu hiệu chức năng thận và gan suy giảm, không đủ dinh dưỡng nuôi tóc. Đây là hiện tượng bình thường do lão hóa nhưng còn trẻ mà tóc đột ngột xám, thì rất có thể đang bị suy dinh dưỡng, thiếu protein, vitamin... hoặc do stress, thường xuyên lo âu, hay cũng có thể do rối loạn chức năng tuyến giáp.
Chưa hết, màu tóc của con người còn liên quan đến quá khứ tổ tiên, nhưng nó lại làm cho người trong cuộc “nhạy cảm” hơn với các loại bệnh như ung thư. Vì thế, các nhà khoa hy vọng với việc phát hiện ra những gene mới trên, sẽ giúp y học tìm ra cách chữa được các loại bệnh liên quan, đặc biệt là bệnh tương tác với sắc tố, như ung thư da hoặc bạch biến.
“Các gene ảnh hưởng đến màu tóc cũng ảnh hưởng đến các loại bệnh ung thư khác. Điều này sẽ giúp khoa học hiểu sâu hơn về u ác tính đại diện cho bệnh gì, bất kể người đó tắm nắng nhiều hay ít. Nói ngắn hơn, nhờ các gene này giúp việc dự đoán bệnh qua màu tóc chính xác hơn, đồng thời dựa trên dấu vết ADN, các cơ quan chức năng có thể loại trừ các đối tượng bị buộc tội oan”, GS Manfred Kayser, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.