Do nằm sâu dưới lòng đất nên nhiệt độ khoảng 14 độ C của Hầm mộ Paris rất lý tưởng cho việc bảo quản hài cốt. Đây là nơi lạnh lẽo và pha chút ma mị. Cảnh tượng này thực sự không phù hợp với những người yếu tim nhưng lại hấp dẫn những người hiếu kỳ ưa khám phá. Những bộ xương được sắp đặt gọn gàng có chủ ý để làm tăng cảm giác mạnh cho du khách tham quan. Lối vào bắt đầu dòng chữ “Dừng lại! Đây là vương quốc tử thần”, nó khiến cho người ta cảm thấy lạnh gáy ngay từ khi mới vào. Càng vào trong, lại càng rùng rợn hơn vởi những bộ hài cốt được bài trí khá cẩn thận.
Ngay từ những ngày đầu khai trương Hầm mộ Paris đã gây ra sự tò mò. Năm 1787, Vua Charles X từng xuống đây hoặc năm 1814, Francois I của Áo, thậm chí cả hoàng đế Napoleon III cùng con trai cũng từng viếng thăm hầm mộ này. Người ta đến tham quan không chỉ để hiểu về lịch sử, văn hóa của Pháp mà còn để thỏa mãn tính hiếu kỳ về thế giới của những người quá cố. Cùng với các dịch vụ thăm hầm mộ, còn có rất nhiều dịch vụ đi theo như cắm trại qua đêm trong dịp lễ Halloween, xem phim ma… cho đến cả các ấn phẩm văn học, điện ảnh hay trò chơi vi tính.
Lớn hơn so với giả định
Là hầm mỏ cũ, nên Paris Catacombs có quy mô vô cùng đồ sộ, vừa để đáp ứng nhu cầu chôn cất người, vừa đáp ứng cho cả mục đích du lịch lẫn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường có liên quan. Vì vậy, nó được thiết kế rất khoa học, có các lối đi dẫn đến các nhà thờ, bệnh viện ở Paris, tạo thành một mê cung chằng chịt ngay dưới chân kinh thành Paris tráng lệ. Hài cốt của hơn 6 triệu người nằm rải rác trong các đường hầm, đặt trong các hầm có tên là ossuaries, rất tiện cho các tour du lịch. Một trong những nét đặc trưng của Paris Catacombs là có nhiều đường hầm bao quanh. Người ta ước tính tổng chiều dài hầm khoảng 320km. Do chưa lập bản đồ đầy đủ, còn có những đoạn chưa được khám phá, nên rất có thể nó còn lớn hơn nhiều so với những gì đã biết.
Như đề cập, sở dĩ mỏ đá ngầm được chuyển thành hầm mộ là do vào thế kỷ 18, chưa có cách hỏa táng như ngày nay, các nghĩa trang của Paris vừa nhiều lại ô nhiễm do chôn cất bừa bãi, khiến lây truyền bệnh dịch, đặc biệt là đại dịch Black Death diễn ra thế kỷ XIV. Điển hình là nghĩa địa lâu đời nhất-Les Innocents, do quá tải, không chỉ phát mùi hôi mà khi trận lụt diễn ra khiến cả xác người nổi lên mặt đất. Nhằm khắc phục tình trạng này, Hội đồng thành phố Paris quyết định xóa bỏ các nghĩa trang, chuyển hài cốt đến mỏ đá, thời gian bắt đầu từ năm 1780 và kết thúc vào năm 1814. Hơn 6 triệu xác chết đã được chuyển từ các nghĩa địa Paris bằng xe ngựa và đưa xuống Paris Catacombs. Dự án tuy diễn ra cuối thế kỷ 18 nhưng đến nay vẫn có tính thời sự, là một trong những giải pháp cho các đô thị hiện đại tham khảo.
Xương người trở thành “các tác phẩm nghệ thuật”
Theo sử sách còn ghi, năm 1780, lần đầu tiên khi các xác chết được đưa xuống đường hầm, hài cốt người chỉ đơn giản được đặt trong các đường hầm, sau đó được các linh mục cầu nguyện nhằm giúp cho linh hồn người quá cố được yên ổn. Sau đó, các công nhân công ty xe tang, nhà đòn bắt đầu sắp xếp lại, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như vật thể hình tròn, trái tim bằng xương hay các bức tường bằng sọ người, vừa mang tính nghệ thuật lại cuốn hút sự tò mò của hậu thế.
Sang đến thế kỷ 20, nhiều nghệ sĩ đương đại, được gọi là Cataphiles (người sống dưới hầm mộ) tiếp tục công việc nói trên. Họ đã dành nhiều thời gian trong hầm mộ để vẽ bản đồ, thu thập thông tin về hầm mộ để giúp du khách không bị lạc. Điển hình, và mang tính biểu tượng nhất của Paris Catacombs là một tác phẩm đồ sộ có tên Chiếc thùng. Gồm một chiếc cột lớn, hình trụ tròn, bao quanh bởi hộp sọ và xương ống chân, đóng vai trò như mái che, được gọi là Tibia Rotunda (Mật mã của niềm đam mê).
Nhiều sự kiện ít ngờ diễn ra tại Paris Catacombs
Mặc dù trở thành địa danh du lịch tâm linh hấp dẫn và nổi tiếng nhưng Paris Catacombs cũng chứa đựng nhiều chuyên lạ. Nơi đây được những người lang thang sử dụng làm bể bơi bí mật. Những người này đã mạo hiểm xuống đây để được ngâm mình trong một số hồ nước ngầm mát lạnh. Để đến được các bể bơi này, người ta phải lội qua những vùng nước âm u và rất nhiều đường hầm ngột ngạt.
Năm 2004, khi cảnh sát Pháp thực hiện chương trình huấn luyện trong hầm mộ, tình cờ phát hiện thấy một phòng chiếu phim khổng lồ, với đầy đủ trang thiết bị, nhà hàng và quán bar. Tất cả đều được phối lắp đường dây điện thoại và điện chiếu sáng rất chuyên nghiệp ngay trong đường hầm rộng lớn, kèm theo khẩu hiệu, đại ý nhắc nhở người lạ không nên can thiệp vào công việc của họ.
Tại Paris Catacombs cũng từng diễn ra một vụ cướp rượu vang cổ. Bởi hầm mộ từng chứa khoảng 300 chai rượu vang cổ, đã bị một nhóm đạo chích “hỏi thăm” hồi năm 2017. Số rượu vang cổ bị mất trị giá hơn 280.000 USD. Chưa hết, Paris Catacombs còn được một nông dân Pháp tên là Monsieur Chambery dùng để trồng nấm. Dự án này đã được Hiệp hội Làm vườn Paris chấp nhận và sản phẩm làm ra được tiêu thụ rất nhanh vì nó có chất lượng cao nên Chambery đã kiếm được bộn tiền.
Theo Bách khoa thư mở, Hầm mộ Paris (Paris Catacombs hay Ossuaire municipal) tồn tại hàng trăm năm nay, được mệnh danh “thành phố ma” hay "vương quốc của người chết", chứa hơn 6 triệu bộ hài cốt được xếp thành hàng lớp và được trang trí gọn gàng giống như một bảo tàng nghệ thuật tâm linh, nằm ở độ sâu 60m dưới lòng đất, thu hút rất đông du khách thập phương. Nguyên thủy, nơi đây là mỏ khai thác đá, sau khi được cải tạo hồi tháng 4 năm 1786, trở thành nơi thu dung các hài cốt từ các nghĩa trang của Paris (Pháp) chuyển tới. |