Du khách tham quan thác Voi (xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).
Trong một lần hành quân ra Bắc, phát hiện ra một thác nước ở dãy Tam Điệp, Vua Quang Trung đã quyết định cho đoàn voi chiến dừng chân uống nước, nghỉ ngơi. Vì lẽ đó, người đời sau gọi thác nước này là thác Voi.
Clip: Khám phá thác Voi - nơi đoàn voi chiến của Vua Quang Trung dừng chân uống nước
Thác Voi nằm trên địa phận xã Thành Vân (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). So với các thác nước khác, thác Voi không quá cao, chỉ khoảng 5m, nằm thọt thỏm giữa màu xanh của hệ thống rừng tái sinh lớn.
Hệ thống rừng tái sinh lớn là một trong những điều làm nên không khí trong lành, cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt sắc tại thác Voi.
Dòng thác đổ về xuất phát từ dòng nước ở thượng nguồn, băng qua nhiều cánh rừng. Khi di chuyển dọc theo những con suối, người ta sẽ được ngắm trọn vẹn hệ sinh thái xanh mướt, hài hòa nơi đây.
Còn về tên gọi thác Voi vốn có nguồn gốc từ câu chuyện hành quân của Vua Quang Trung ra phía Bắc. Khi đi qua dãy núi Tam Điệp, ngài phát hiện một hốc nước nên cho đàn voi chiến dừng chân, uống nước, nghỉ ngơi. Người đời về sau lấy tích đó và đặt tên là thác Voi.
Những năm trở lại đây, thác Voi được khai thác để phát triển du lịch. Chỉ với khoảng 20.000 đồng/người, du khách có thể thoải mái check-in, vãn cảnh, tắm. Nhờ vậy, ngày càng nhiều người lựa chọn thác Voi là điểm đến lý tưởng cho bản thân và gia đình.
“Đây là lần đầu tiên tôi đến thác Boi, tôi thấy thác nước rất đẹp, còn có cả chỗ vui chơi cho người lớn, trẻ nhỏ”, chị Đỗ Thị Hồng (28 tuổi, trú tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ.
“Con trai tôi làm nghề chở khách nhưng dạo gần đây không có khách, nên cháu đưa bố mẹ đi tham quan thác Voi. Khi tới đây, tôi thấy không khí rất trong lành, tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, thư thái”, chị Hoàng Thị Thi (người bên trái, 56 tuổi, huyện Triệu Hóa) chia sẻ.
Không chỉ nổi tiếng đối với khách bản xứ tại địa phương, thác Voi còn được du khách phương xa yêu mến. “Thác nước này có một ưu điểm là rất rộng, sóng của nó cũng tương đối đẹp”, chị Dương Thị Phương (54 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận xét.