Khám sức khỏe trước khi cưới để giảm hệ lụy cho tương lai

An Khê
26/12/2023 - 12:33
Khám sức khỏe trước khi cưới để giảm hệ lụy cho tương lai
Lợi ích lớn nhất của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn là giúp đánh giá sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản của các cặp đôi trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Điều này giúp giảm thiểu hệ lụy cho đời sống hôn nhân gia đình.

Khó chịu khi được bạn gái gợi ý đi khám sức khỏe trước khi cưới

Chị Trần Thị Thu (19 tuổi, ở Tuyên Quang) kết hôn với chồng cùng tuổi. Hơn một năm sau, chị Thu sinh con. Khi đứa trẻ ra đời có biểu hiện thiếu máu nặng, bệnh càng nặng hơn khi bé được 4 tháng tuổi. Chị Thu cho biết, do kết hôn khi còn trẻ lại chủ quan không đi khám trước khi kết hôn nên chị không biết bản thân mang gene Thalassemia (thiếu máu huyết tán bẩm sinh). Chính vì vậy, khi sinh con ra, hai vợ chồng mới biết con bị di truyền từ mẹ. "Tôi rất hối hận khi không đi khám, tư vấn sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn. Do ít thông tin và làm việc ở vùng nông thôn xa xôi nên tôi cũng không đi khám thai định kỳ. Hiện gia đình phải cho con đi truyền máu thường xuyên và xác định là sống chung với bệnh cả đời", chị Thu ngậm ngùi chia sẻ.

Một hệ lụy khác của việc không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đó chính là vô sinh, hiếm muộn. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng trẻ không đi kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn đã gặp khó khăn trong vấn đề mang thai và sinh con. Trường hợp của chị Nguyễn Thu Hằng (22 tuổi, ở tỉnh An Giang) là một ví dụ. Chị Hằng cho biết: "Trước khi cưới, em có gợi ý bạn trai đi khám nhưng anh ấy tỏ ra khó chịu, nghĩ là em không tin tưởng về sức khỏe của anh ấy. Kết quả là cưới nhau được hơn 2 năm, em không có thai. Khi đi khám, bác sĩ cho biết, chồng em bị khiếm khuyết nhiễm sắc thể. Giờ muốn có con chúng em phải làm dịch vụ sinh sản, rất tốn kém".

Khám sức khỏe trước khi cưới để giảm hệ lụy cho tương lai- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Tâm Anh

 

Người trẻ cần được tiếp cận sớm khám sức khỏe trước khi kết hôn

Trước những báo động về tình trạng sức khỏe sinh sản ở người trẻ tuổi, các chuyên gia y tế cho rằng, người trẻ cần được tiếp cận sớm với các dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Theo các chuyên gia, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.

Thời gian qua, Việt Nam đạt được nhiều thành công trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên. Tuy nhiên, tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn của vị thành niên, thanh niên vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, các khu công nghiệp tập trung.

Khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng được coi là một trong những giải pháp giúp trẻ vị thành niên, thanh niên, nhất là những người sắp kết hôn, chuẩn bị kiến thức, tâm lý và sức khỏe để xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh. ThS.BS Nguyễn Tân Sơn (Cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, việc tuyên truyền để các bạn trẻ thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn. Bản thân các bạn trẻ trước khi kết hôn vẫn chưa thấy đó là việc quan trọng, cần thiết, vẫn chưa có sự bàn bạc, thảo luận của cả 2 người về vấn đề này. Các bậc phụ huynh 2 phía gia đình cũng chưa coi đó là việc cần làm, thậm chí nhiều gia đình còn không đồng tình.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường - một cách tiếp cận sớm đối tượng trước khi kết hôn – hiện chưa cập nhật toàn diện. Các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn tới các đối tượng vị thành niên, thanh niên ngoài nhà trường cũng đã được thực hiện nhưng tổ chức rời rạc, phạm vi hẹp và thiếu tính đồng bộ. Công tác đầu tư kinh phí, xây dựng mô hình, định hướng, hướng dẫn các hoạt động truyền thông từ các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, vẫn còn chồng chéo, sự phối hợp chưa thật hiệu quả.

Khám sức khỏe trước khi cưới để giảm hệ lụy cho tương lai- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Tâm Anh

Theo ThS.BS Nguyễn Tân Sơn, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 có đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, 90% tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên trên cả nước, ngành Dân số cần chú trọng vào giải pháp, nhiệm vụ truyền thông. Tuy nhiên, muốn giải pháp này đạt hiệu quả thì phải có sự đầu tư thích đáng về nguồn lực. Thêm nữa, như Nghị quyết 21-NQ/TW đã chỉ rõ "Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân", vì vậy, để thành công cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất của ngành Giáo dục, Đoàn Thanh niên với ngành Y tế, Dân số.

Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay có chủ đề: "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước". Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay nhằm tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân về chuyển trọng tâm chính sách từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; tập trung vận động mỗi gia đình, cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm