Lý do không nên khen trẻ thông minh
Nhiều bố mẹ cho rằng khen con thông minh sẽ là cách tốt để khuyến khích trẻ thể hiện khả năng của mình, để trẻ càng thêm tự tin, nhưng trên thực tế, đây lại là cách làm không thực sự hiệu quả khi nói chuyện trực tiếp với trẻ.
Giáo sư Carol S. Dweck đến từ khoa tâm lý học của trường đại học Stanford cho biết, khi bố mẹ khen ngợi những điểm tiêu biểu của con, bé sẽ ngừng tìm kiếm những thử thách mới, ngừng khám phá khả năng khác của bản thân mình, thay vào đó bé chỉ duy trì những gì được cho là mình làm tốt. Vì bé sợ sẽ bị thất bại và sợ mất đi những lời khen ngợi mà bé đang được nhận.
Bên cạnh đó, thay vì học hỏi, các bé được khen thông minh sẽ ỷ lại vào khả năng “trời cho” của mình. Bé làm bất cứ nhiệm vụ nào chỉ để chứng minh mình thông minh, tài giỏi, chứ không tập trung vào việc học hỏi, trau dồi kiến thức hay kỹ năng mới. Lâu dần việc này sẽ trở thành thói quen khó thay đổi, càng lớn bé sẽ càng gặp khó khăn khi phải đối mặt với những thử thách mới.
Trẻ được khen thông minh khi gặp khó khăn rất dễ bỏ cuộc. Vì cho rằng những thành công trước đây có được đều nhờ mình thông minh, tài giỏi, nên nếu thử thách mới vượt quá khả năng của mình trẻ sẽ không chịu nỗ lực vượt qua. Vì được khoác lên mình cái “mác” thông minh nên trẻ không muốn tỏ ra kém cỏi trước mặt người khác, thà lựa chọn thất bại tự mình làm chứ không muốn nhờ người khác giúp đỡ hay học hỏi những người xung quanh.
Do vậy, khen trẻ thông minh và ca ngợi tài năng của trẻ là cách làm phản tác dụng trong quá trình học hỏi của bé.
Tán dương sự nỗ lực thay vì khen trẻ thông minh
Lời khen sẽ phát huy tác dụng khi bố mẹ biết cách khen ngợi một cách hợp lý. Cách khen có hiệu quả là ca ngợi sự nỗ lực của trẻ và khích lệ bé tiếp tục nỗ lực trong mọi việc. Khi trẻ được khen vì sự cố gắng chứ không phải thông minh, bé sẽ không tự đề cao khả năng của mình, cũng không sợ gây ra lỗi khi làm bất cứ việc gì, từ đó bé có thể tìm cách tốt nhất để hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó khen ngợi sự nỗ lực của trẻ là cách giúp bé hình thành tư tưởng phấn đấu, học hỏi, không ỷ lại vào bất cứ điều gì. Khi trẻ hiểu được rằng thành công có được nhờ sự nỗ lực, bé sẽ càng có động lực để cố gắng. Bé không ngại học hỏi người khác, không tự cho mình giỏi mà bỏ qua cơ hội tiếp thu những kiến thức mới. Khi gặp thử thách hay khó khăn bé sẽ có tự tin để vượt qua tốt hơn, nhờ ý thức rằng chỉ cần nỗ lực sẽ thành công.