Như báo PNVN đã phản ánh, trong đợt bình xét hộ nghèo năm 2016, gia đình anh Phạm Hữu Hùng ở làng Thành Liên, xã Trường Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) dù đủ tiêu chí nhưng đã bị “treo” mất hộ nghèo. Lý do là nhà anh Hùng nợ tiền làm đường và không trả được.
Cùng cảnh ngộ nợ tiền đường là gia đình chị Lê Thị Soi (SN 1977). Nhà chị Soi thuộc diện khổ nhất nhì ở làng Thành Liên. Những tiêu chí để được bình xét là hộ nghèo nhà chị Soi có thừa. Thế nhưng, vì nợ tiền làm đường 5 triệu đồng, cán bộ làng lập tức đem "miếng mồi" hộ nghèo ra để ép gia đình chị Soi đóng tiền.
Hoàn cảnh của gia đình chị Soi khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Lần trước khi chúng tôi về thăm gia đình, chị Soi nói rằng, chồng chị bị mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Bây giờ, mình chị một nách 3 con nhỏ, khó khăn bủa vây tứ phía.
Nhà chị Soi thuộc diện nghèo khó nhất làng Thành Liên |
Thế nhưng, qua một số người dân, chúng tôi mới biết chị Soi đã cố tình giấu đi những nỗi bất hạnh đau đớn nhất. Lần trở lại thăm, chị Soi đã kể lại về cuộc đời thẫm đẫm nước mắt cũng như bi kịch thật sự của gia đình mình.
Chồng chị Soi mới mất cách đây hơn một năm. Trong phòng khách, ngoài bộ bàn ghế nhựa là chiếc bàn thờ lớn đặt di ảnh người chồng. Cạnh bàn thờ ấy là những chiếc khăn xô trắng xóa, tang tóc.
Thắp cho chồng nén nhang, chị Soi giàn giụa nước mắt: “Chồng tôi vì gánh nặng nợ nần và thêm phần bệnh tật nên đã tìm cách quyên sinh. Anh chết, giải thoát cho chính mình nhưng để lại cho tôi một gánh nặng. Nợ vẫn còn đó, 3 đứa con còn nhỏ dại đã phải mất bố”.
Anh Nguyễn Văn Ba (chồng chị Soi) từng là người đàn ông chí thú làm ăn. Ngày mới lấy nhau, anh Ba cũng sớm hôm tần tảo. Thế nhưng, khi lần lượt 3 đứa con ra đời, gánh nặng gia đình ngày một nặng nề hơn, anh Ba dần thay đổi.
Sa vào rượu chè, cờ bạc, anh Ba đã nhiều lần khiến vợ khóc cạn khô nước mắt. Cuộc sống ngày một khó khăn, anh Ba càng chán, càng uống càng chơi và rồi anh ngập ngụa trong nợ nần.
Kể về gia cảnh nhà mình, chị Soi giàn giụa nước mắt |
Chị Soi bảo, trước lúc anh Ba quyên sinh bằng thuốc diệt cỏ, nhiều lần anh nói “chỉ có cái chết mới hết nợ nần, chỉ có chết mới được giải thoát”. Thấy chồng ủ dột, chán chường chị Soi lại hết lời động viên. “Người ta già cả vẫn nợ nần đó thôi. Mình chí thú làm ăn rồi trả nợ dần, mình còn trẻ, còn khỏe lo gì không trả được nợ”, chị Soi khuyên chồng.
Tuy nhiên, mãi sau này chị Soi mới biết, chồng chị chán nản không hẳn chỉ vì nợ nần. Anh Ba đã mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vì thương vợ con nên anh đã giấu biệt. Một lần lên thăm nhà nội, chị Soi tình cờ biết được. Thì ra anh Ba mắc bệnh gan. Mấy lần anh vẫn giấu vợ lên viện khám rồi trở về nhà buồn xo mà chẳng nói lời nào.
Biết chồng mắc bệnh, chị Soi động viên chồng yên tâm chữa bệnh, còn người còn của. Thế nhưng, dường như cảm thấy bất lực trước cuộc sống. Một ngày đầu năm 2015 anh Ba đã uống thuốc độc quyên sinh.
Chồng chết, chị Soi sốc nặng. Nỗi đau mất chồng, gánh nặng gia đình khiến người phụ nữ nghèo khó ngày càng gầy quắt queo. Chị Soi bảo, nhiều lúc chị cũng cảm thấy cạn kiệt sức lực nhưng vì mấy đứa con nên chị phải cố gắng. Chị là chỗ dựa duy nhất cho các con, chị không được gục ngã.
Vì nghèo khó nên trong đợt bình xét hộ nghèo năm 2016, gia đình chị Soi nằm trong danh sách. Biết gia đình mình được hộ nghèo, chị Soi mừng lắm. Thế nhưng, khi làng họp lại, xem xét sổ sách và biết nhà chị Soi còn nợ làng 5 triệu đồng tiền làm đường. Lập tức, nhà chị Soi bị đưa vào diện “xem xét”.
Hộ nghèo năm 2016 của gia đình chị Soi đã bị đưa "mặc cả" |
Cuộc “thảo luận” sau đó diễn ra. Trong 7 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn hộ nghèo năm 2016 có 2 hộ còn nợ tiền làm đường là nhà chị Soi 5 triệu đồng, nhà anh Hùng nợ 7 triệu đồng. Một “tiêu chí phụ” được làng đưa ra, nếu nhà nào hứa trả nợ sẽ được hộ nghèo.
Chị Soi đã hứa sẽ nộp, còn nhà anh Hùng thì không. Cuối cùng, làng quyết định: “Sau khi được nhân dân thống nhất đồng ý, cho gia đình chị Soi trong năm 2016 chia ra làm 3 đợt phải thanh toán xong tiền đường làng. Chị Soi cũng đã thống nhất ký vào biên bản để được hộ nghèo năm 2016” (trích biên bản cuộc họp).
Ngược lại “hộ gia đình anh Hùng trong năm 2016 không thanh toán tiền đường làng sẽ không được hộ nghèo và đã được nhân dân thống nhất cao” (trích biên bản cuộc họp).
Chị Soi bảo, dù cam kết sẽ trả nợ tiền làm đường trong năm 2016 nhưng đến giờ chị mới trả được một phần nhỏ. Phần đó “đủ” để nhận hộ nghèo. Số còn lại chị Soi vẫn nợ và chưa biết lấy đâu để trả theo cam kết.
Con chị Soi còn bé nhỏ đã phải mang trên mình món nợ làng |
Nhà chị Soi chỉ có mấy sào ruộng, lúc nông nhàn chị may nón kiếm thêm thu nhập. Kiếm được đủ ăn đã là quá gian nan vậy nhưng từ đầu năm đến giờ chị còn phải nộp các khoản hơn 1 triệu đồng. “Nợ tiền làm đường chẳng biết lúc nào mới trả được. Con tôi dù còn bé nhà lại nghèo nhưng chẳng được miễn giảm một xu tiền làm đường”, chị Soi nói.
Dù là hộ nghèo nhưng trong năm 2016, nhà chị Soi vẫn bị thu Quỹ phòng chống thiên tai. Chỉ mới đây, khi báo PNVN viết về trường hợp gia đình anh Hùng bị tước hộ nghèo, cán bộ thôn mới đến nhà trả lại khoản thu sai đó.
Tuy nhiên, cả 4 mẹ con chị Soi vẫn chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chị Soi bảo, vì mải làm ăn, hơn nữa cũng may là bản thân chị và các con khỏe mạnh nên chị cũng quên mất là nhà mình chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Cả gia đình chị Soi vẫn chưa được cấp thẻ BHYT |
Vì sao nhà chị Soi chưa được cấp thẻ BHYT? Phải chăng, vì món nợ tiền đường nên nhà chị Soi được cấp chứng nhận hộ nghèo sau nên BHYT của gia đình chị chưa được làm? Với gia đình anh Hùng, cán bộ huyện giải thích là do “thất lạc”! Vậy gia đình chị Soi thì sao?
Hỏi chị Soi, chị chỉ biết lắc đầu. Ngày 17/8, khi Pv tìm lên trụ sở UBND xã Trường Sơn để hỏi về vấn đề này nhưng cán bộ xã không hợp tác làm việc...