Khi lao động nữ di cư… né tránh quyền lợi an sinh xã hội

09/05/2019 - 13:17
Theo thống kê, gần 100% lao động di cư tới thành phố không có BHXH; họ gặp khó khăn, điều kiện sống bấp bênh không đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra, chính lao động di cư lại… né tránh các chính sách an sinh dành cho chính mình.

Tại các đô thị lớn của nước ta, ngành nghề tập trung nhiều lao động nữ di cư làm việc là nghề giúp việc nhà; thống kê chưa đầy đủ thì cả nước có khoảng hơn 200 ngàn lao động giúp việc gia đình. Theo tTrung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD), lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam có tới trên 98% là phụ nữ, trong đó khoảng 75% là người di cư. Lao động giúp việc cũng có trình độ học vấn khá thấp, 77% lao động chỉ học từ tiểu học đến trung học cơ sở.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc GFCD, đại đa số người giúp việc gia đình chưa tiếp cận được với các thông tin pháp luật nên chưa hiểu hết về quyền lợi của mình. Trên 91% không có lương hưu hoặc trợ cấp thường xuyên và chỉ có 19,5% có bảo hiểm y tế.

Để đảm bảo quyền lợi của lao động nữ di cư, một số chính sách được xây dựng cho lao động di cư bảo đảm quyền lợi, nhưng lại chưa được thực hiện tốt. Việc thực thi chưa tốt những quy định liên quan tới ký kết hợp đồng lao động, trước tiên phải nói tới ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt. Phần lớn người lao động di cư như người giúp việc gia đình, công nhân của các công trình xây dựng, lái xe Grab… lại rất thờ ơ với chính quyền lợi của mình.

Chị Nguyễn Thị Nhung, quê ở Tam Nông (Phú Thọ) cho biết: Làm giúp việc gia đình tại Hà Nội đã 7 năm, “nhảy việc” qua rất nhiều gia đình, nhưng chị chưa từng ký hợp đồng lao động bằng văn bản với gia chủ. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, 2 bên không thể tự thỏa thuận nên thường xảy ra cãi vã, to tiếng.

Dù biết là không đảm bảo quyền lợi nếu chỉ thỏa thuận miệng, chị Nhung cũng thừa nhận bản thân rất “ngại” phải ký các văn bản liên quan tới pháp luật. Tâm lý chung của lao động nữ di cư chỉ quan tâm tới thu nhập để tích góp gửi về nuôi con ở quê nhà. Còn những quyền lợi về bảo hiểm y tế, chế độ nghỉ ngơi khi ốm đau, tai nạn lao động có thể thỏa thuận được thông qua hợp đồng lao động thì không được chú ý tới.

Thậm chí, nhiều chị em lao động giúp việc gia đình còn tìm cách… né tránh tất cả những vấn đề về mặt pháp lý để giảm thiểu chi phí. Trong khi họ không hiểu đó chính là cơ sở pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho cả 2 bên người lao động và chủ sử dụng; đồng thời là cam kết trong việc thực hiện đảm bảo an sinh cho người lao động, ví dụ như mua BHYT cho người lao động, chế độ nghỉ khi ốm đau, tai nạn lao động...

Trong Nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ, TB&XH) phối hợp thực hiện và công bố mới đây, có 34,3% lao động di cư gặp khó khăn về việc làm, 42,6% lao động nữ di cư gặp khó khăn về chỗ ở, 97,9% lao động phi chính thức không có BHXH.

 Theo bà Trần Thị Hồng, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: Lao động nữ di cư khó tiếp cận an sinh xã hội còn có nguyên nhân từ các quy định pháp luật. Ví dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Muốn mua BHYT, người lao động cần có sổ đăng ký tạm trú và văn bản đồng ý của chủ nhà. Họ chỉ có thể mua BHYT tự nguyện khi chủ nhà cũng mua.

Bà Trần Thị Hồng khuyến nghị, cần điều chỉnh việc quản lý người dân thông qua hộ khẩu bằng việc quản lý qua thẻ căn cước công dân; qua đó tạo thuận lợi cho lao động nữ di cư tiếp cận các chính sách an sinh này.

Đồng thời sửa đổi các chính sách BHXH tự nguyện cho hấp dẫn hơn với lao động nữ di cư. Hai chế độ rất được lao động nữ di cư quan tâm là thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, nhưng lại không có, nên họ không muốn tham gia.

Cạnh đó, các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất, chưa có chính sách dành riêng cho người tạm trú ngắn hạn như lao động nữ di cư.

dich-vu-giup-viec-nha-dip-tet-1435.jpg
Lao động nữ di cư không tham gia BHXH, BHYT, chưa đảm bảo an sinh xã hội cho chính bản thân mình. Ảnh minh họa

 

Đặt mục tiêu tăng 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện của cả nước là 337 nghìn người, đạt 68,7% kế hoạch giao, tăng 31,5% so với tháng 3/2019. Một số tỉnh, thành phố phát triển được nhiều đối tượng tham gia trong 4 tháng đầu năm 2019 như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Sơn La, Hưng Yên.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Trong đó, báo cáo này đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2019 phát triển tăng mới được ít nhất 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Đây là nhiệm vụ khá khó khăn, tuy nhiên, lực lượng lao động di cư lên tới hàng chục triệu người, dư địa phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn rất lớn.Qua đó đảm bảo được chính sách an sinh xã hội cho những lao động yếu thế có cuộc sống bền vững hơn.

Để hoàn thành mục tiêu này, theo Bộ LĐ-TB&XH cần có sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của bộ, ngành, đặc biệt là BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cùng các địa phương với 5 giải pháp gồm: Xây dựng kế hoạch phát triển người gia BHXH tự nguyện có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng bên. Tính toán và giao chỉ tiêu phát triển số người cụ thể của từng địa phương để ngành BHXH và ngành Bưu điện vận động thuyết phục từng người, từng nhà.

Cùng với đó đề xuất đổi mới toàn diện nội dung hình thức tuyên truyền; thí điểm thực hiện gói BHXH tự nguyện ngắn hạn; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin trong quản lý, giải quyết chế độ BHXH; nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BH thất nghiệp.

 

Tính đến 30/4, cả nước có 14,367 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 93,9% kế hoạch và tăng 69.500 người so với tháng 3/2019. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cả nước là 106,8 nghìn tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch giao.

Số người tham gia BHYT là 83,7 triệu người, đạt 98,3% kế hoạch giao, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88,8%, tăng 306 nghìn người so với tháng 3/2019, số còn phải phát triển 8 tháng cuối năm là 1,7 triệu người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm