pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi nào đau hàm là triệu chứng cảnh báo cơn đau tim?
Đau tim là tình trạng xảy ra do lưu lượng máu chảy đến tim bị gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau tim, trong đó bệnh động mạch vành - do sự tích tụ mảng bám làm thu hẹp động mạch là nguyên nhân gây đau tim phổ biến.
Đau tim là một tình trạng khẩn cấp, do vậy nhận biết các triệu chứng sớm là điều cần thiết để có hướng xử lý kịp thời.
1. Mối liên hệ giữa đau hàm và đau tim
Đau tim có thể gây đau hàm do các dây thần kinh chạy đến tim có rễ cao hơn trong cơ thể, do đó, cơn đau tim có thể được cảm nhận ở hàm hoặc răng, cổ, vai hoặc cánh tay, ngoài ngực. Lưng và bụng trên cũng có thể bị ảnh hưởng.
Làm thế nào để biết đau hàm có liên quan đến cơn đau tim?
Mặc dù không thể chẩn đoán chính xác, nhưng bạn có thể tham khảo, dựa vào một số đặc điểm sau để xem liệu đau hàm có liên quan đến đau tim không.
- Xem vị trí cơn đau, khi bị đau hàm do đau tim, cảm giác khó chịu sẽ không tập trung ở đường viền hàm - cơn đau sẽ ở phía dưới và chấm dứt ở hàm. Nhiều người mô tả họ cảm thấy như bị đau răng.
- Nếu bạn cảm thấy đau hàm khi nhai một số loại thực phẩm hoặc đồ ăn nhẹ thì đây có thể do chấn thương chứ không liên quan đến đau tim.
- Nếu cơn đau quai hàm mới xuất hiện, không rõ nguyên nhân và kéo dài hơn 10 phút, bạn hãy đến bệnh viện để đánh giá ngay lập tức. Ngoài ra, nếu bạn bị đau ngực và hàm khi tập thể dục, thì đó cũng có thể là mối lo ngại về cơn đau liên quan đến tim.
- Ngoài ra, nếu bất kỳ triệu chứng nào dưới đây đi kèm với đau hàm, bạn có thể đang bị đau tim:
+ Đau ngực (có thể không cảm thấy đau lắm và có thể đơn giản là không thoải mái)
+ Lú lẫn
+ Đổ quá nhiều mồ hôi
+ Tim đập nhanh
+ Khó tiêu
+ Buồn nôn
+ Đau lan từ ngực ra sau lưng, quai hàm, cổ hoặc cánh tay trái
+ Hụt hơi
+ Nôn mửa
Khi nhận thấy các dấu hiệu này bạn đừng chần chừ mà hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
2. Đau hàm do đau tim: tỷ lệ giữa nam giới và nữ giới
Phụ nữ có nguy cơ bị đau quai hàm khi bị đau tim cao gấp đôi so với nam giới. Theo một nghiên cứu được thực hiện về biểu hiện triệu chứng đau tim và được công bố trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ, 9,2% phụ nữ cho biết họ bị đau hàm. Ngược lại, chỉ có 5,5% nam giới cho biết họ trải qua điều tương tự khi lên cơn đau tim.
Thêm nữa, nghiên cứu trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ tiết lộ rằng những người đàn ông bị đau tim ít có khả năng bị đau ở cổ, lưng và hàm và buồn nôn so với phụ nữ.
Ngoài giới tính, những người mắc bệnh tiểu đường và những người đã phẫu thuật thành ngực cũng thường báo cáo bị đau hàm khi lên cơn đau tim.
3. Đau ngực và hàm có thể là dấu hiệu của đột quỵ không?
Mặc dù có liên quan đến cơn đau tim, nhưng hiếm khi đau hàm và ngực là triệu chứng của đột quỵ. Các dấu hiệu phổ biến hơn của đột quỵ bao gồm:
- Lú lẫn
- Ngất xỉu hoặc mất ý thức trong thời gian ngắn
- Cảm thấy chóng mặt
- Đau đầu dữ dội không có nguyên nhân rõ ràng
- Khó nói đột ngột
- Đột ngột khó đi lại do mất thăng bằng hoặc phối hợp
- Mất thị lực đột ngột
- Đột ngột bị tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân
4. Một số nguyên nhân khác gây đau hàm
Ngoài cơn đau tim, đau hàm có thể là dấu hiệu của một số tình trạng khác như:
- Nghiến răng
Thông thường, chứng nghiến răng nhẹ và không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với một số người, nghiến răng xảy ra trong thời gian dài có thể gây tổn hại cho răng của họ, từ sứt mẻ, vết nứt đến men răng bị mòn. Nghiến răng cũng có thể gây đau nhức và căng cơ hàm.
- Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ)
Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) là các vấn đề với khớp trượt nối hàm của bạn với phần còn lại của khuôn mặt.
Các triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm bao gồm: âm thanh lách cách hoặc cảm giác rít khi mở miệng hoặc nhai thức ăn, đau khi nhai hoặc gặp khó khăn khi ăn những thực phẩm cứng hơn. Ngoài đau hàm, những người mắc bệnh TMJ có thể bị đau vùng mặt hoặc khó chịu quanh tai.
- Đau dây thần kinh
Đau dây thần kinh là một cơn đau nhói, rát ở mặt hoặc cơ thể do tổn thương dây thần kinh. Cơn đau này cũng có thể xuất hiện ở hàm dưới dạng cảm giác nóng rát. Dấu hiệu chính của đau dây thần kinh là cảm giác đau như dao đâm dọc theo đường đi của dây thần kinh. Cơn đau có thể đến rồi đi hoặc có thể cảm thấy nóng rát liên tục.
- Viêm động mạch thái dương
Viêm động mạch thái dương gây hẹp hoặc tắc nghẽn các mạch máu ở da đầu, cổ và cánh tay. Do thiếu lưu lượng máu đến những khu vực này, bạn có thể cảm thấy đau ở hàm, gặp vấn đề về phối hợp hoặc giữ thăng bằng, giảm thị lực và khó nuốt.
Phụ nữ trong độ tuổi từ 70 đến 80 có nhiều khả năng mắc bệnh viêm động mạch thái dương hơn.
Kết luận lại: Mặc dù đau quai hàm không phải là dấu hiệu phổ biến của cơn đau tim - thường là đau ngực và khó chịu, nhưng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng nguy hiểm. Do vậy, khi bị đau hàm đột ngột kèm theo một số triệu chứng bất thường khác, bạn không nên chủ quan mà hãy đến bệnh viện ngay để được thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng gặp phải.