pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi người trẻ mất động lực phấn đấu
Ảnh minh họa
Từng học chuyên ngành hot ở trường đại học danh tiếng, ai cũng nghĩ Nguyễn Văn Dũng (tỉnh Nam Định) sẽ có một tương lai tươi đẹp, với một công việc tốt, thu nhập cao. Thế nhưng, ít ai ngờ, sau 2 năm tốt nghiệp đại học, Dũng không đi làm mà về quê sống cùng bố mẹ.
"Công việc" hàng ngày của Dũng là chơi game. Dũng dán mắt vào máy tính chơi game từ sáng đến đêm. Lúc nào mệt quá, cậu mới ngủ thiếp đi. Gia đình Dũng thuộc diện khá giả nên cậu không bị áp lực về việc kiếm tiền. Thấy con trai học giỏi mà cứ sống vật vờ trong khoảng thời gian dài, mẹ của Dũng rất sốt ruột.
Thế nhưng, lần nào nhắc con lên Hà Nội đi làm, Dũng cũng tỏ thái độ bực tức, khó chịu. Quen với cảnh cả ngày chơi game và được mẹ phục vụ cơm nước, không phải động tay, động chân vào việc gì, khiến cậu không còn muốn đi làm kiếm tiền.
Từng kỳ vọng sẽ kiếm được việc ở các doanh nghiệp lớn với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng nhưng giờ đây, Nguyễn Quỳnh Anh (tỉnh Bắc Giang) về nhà để bố mẹ nuôi. Quỳnh Anh cho biết, cô tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế ở một trường đại học hàng đầu.
Thời sinh viên, cô cũng từng đi làm thêm ở nhiều nơi. Cứ nghĩ với hồ sơ đẹp, cô sẽ dễ dàng xin được công việc mong ước. Thế nhưng, nộp hồ sơ ở các doanh nghiệp lớn, cô đều bị loại từ vòng đầu tiên. Thất vọng, cô chấp nhận làm ở một công ty nhỏ để có thu nhập tự lo cho bản thân.
Thế nhưng, mức lương 8 triệu đồng/tháng chỉ đủ để cô trả tiền thuê nhà, sinh hoạt phí mà không tiết kiệm được đồng nào. Trước cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội với đủ thứ tiền phải lo, cô quyết định nghỉ việc để về quê.
Hàng ngày, ngoài việc cơm nước giúp bố mẹ, cô chỉ ngồi xem phim và lướt mạng xã hội. Quỳnh Anh cho biết, cô định cứ sống như vậy và chờ bố mẹ "kiếm" cho một công việc ở gần nhà.
Giống như Dũng, Quỳnh Anh, không ít người trẻ hiện nay không có động lực làm việc. Họ không muốn làm gì, không biết mình cố gắng vì điều gì. Thậm chí có người không thiết tha điều gì, bỏ bê bản thân, từ sức khoẻ đến các mối quan hệ, đam mê, sở thích.
Những người trẻ từ chối đi làm lâu dần sẽ dẫn đến trì trệ, thiếu kết nối với cộng đồng, ngày càng không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng và bị đào thải.
Theo các chuyên gia, cuộc sống đã đủ về vật chất nên nhiều người không có động lực phấn đấu là một nguyên nhân. Bên cạnh đó, áp lực của xã hội hiện đại, định kiến về việc người trẻ phải thành công khiến một số người nảy sinh tâm lý chán việc.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến những người trẻ mất động lực trong cuộc sống có thể do họ đã mất kết nối với hiện tại, mất kết nối với bản thân. Và nhiều bạn trẻ ngày nay có thói quen lạm dụng mạng xã hội, các thiết bị thông minh, dẫn đến mất kết nối với người khác.
Để vượt qua giai đoạn sống theo kiểu "mặc kệ", những người trẻ cần có tâm lý và nội lực vững vàng, cần sống với hiện tại, kết nối với xung quanh nhiều hơn. Muốn vậy, họ cần làm những việc khiến bản thân cải thiện tinh thần, có thể là tập thể dục, làm việc nhà, kết nối với những người bạn cũ, nói chuyện với người mà bạn tin tưởng…
Kinh nghiệm của bạn Nguyễn Ngọc Khánh (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) trong việc vượt qua giai đoạn mất động lực phấn đấu là: Hãy viết ra những khoảnh khắc khiến bạn sung sướng, hạnh phúc, những bài học giá trị mà bạn có thể thực hành và học trong 6 tháng tới.
Hãy dành cho bản thân khoảng thời gian sống chậm lại để trả lời những câu hỏi đó và tìm ra câu trả lời của riêng mình. Điều này sẽ khiến bạn có thể cải thiện tâm trạng, khiến mọi thứ tốt dần lên.