pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khi nhân viên lấy hướng nội làm cái cớ để từ chối công việc, sếp xử lý ra sao?
"Lần đầu tiên phải đi phỏng vấn trực tiếp, mình đã mất 1 ngày căng thẳng đến mức khó ngủ. Đến trưa hôm đó, mình còn không ăn được gì vì quá hồi hộp", đây là lời chia sẻ của 1 cô bạn hướng nội làm công việc được cho là của người hướng ngoại - phóng viên.
Dễ dàng nhận thấy, luôn có những quy chuẩn xã hội cho rằng: Kiểu tính cách này chỉ phù hợp với một số công việc hay người có tính cách như thế kia sẽ rất hợp để ở trong môi trường nọ. Phân biệt ngắn gọn hơn, đó là công việc dành cho người hướng nội và người hướng ngoại.
Từ những tiêu chuẩn đã âm thầm phát triển trong thời gian dài này nảy sinh ra 1 vấn đề là nhiều người cho rằng bởi vì tính cách của mình nên sẽ không bao giờ có thể làm công việc nào đó. Thậm chí, nhiều bạn hướng nội còn lấy đó là lý do để "từ chối" nhận 1 nhiệm vụ hay công việc vì sợ rằng mình sẽ không thể cáng đáng được. Và đây là thực tế đang diễn ra khá phổ biến trong các công ty thời điểm hiện tại.
Tự đặt ra khuôn khổ khiến bản thân bị áp lực
Hoài Thịnh, 24 tuổi tự nhận mình là 1 người hướng nội, đang làm việc tự do. Trước đây, Hoài Thịnh từng song song làm tiếp thị nội dung 1 tập đoàn và trợ lý giám đốc công ty, cũng là lúc cô gặp kha khá rắc rối về tính cách hướng nội của mình.
"Mình từ chối 1 nhiệm vụ sếp giao đó là đi quảng cáo về công ty trên MXH. Lý do lúc đấy là bởi vì mình hướng nội, không thích tài khoản của mình xuất hiện ở nhiều nơi như vậy".
Hoài Thịnh không phải là người duy nhất rơi vào trường hợp này, đó nỗi sợ hãi của những người hướng nội khi làm việc công việc của người hướng ngoại. Đó là những công việc đòi hỏi sự tương tác và nhiều thời gian trực tiếp với mọi người. Ví dụ như các vị trí dịch vụ khách hàng, bán hàng qua điện thoại hoặc hướng dẫn viên du lịch.
"Mình từng nghĩ rằng bản thân không thể làm việc trong ngành tạp chí, đi phỏng vấn mọi người bởi vì không quen nói chuyện với người khác. Lúc nhận được lời mời làm việc, mình có một nỗi lo lắng đến mức áp lực. Thậm chí, bạn bè và người thân còn đặt dấu hỏi lớn khi mình nhận công việc mới. Họ cho rằng, với tính cách hướng nội và ngại tiếp xúc với người khác như mình không thể phù hợp với công việc này", Linh Chi, 25 tuổi bộc bạch về khoảng thời gian khó khăn lúc mới nhận công việc được "cộp mác" cho người hướng ngoại.
Phương Uyên, 24 tuổi, cũng là một người rơi vào hoàn cảnh tương tự: "Mình có một khoảng thời gian tự đè nặng áp lực lên chính bản thân mình. Mặc nhiên tự cho là hướng nội thì sẽ rất nhàm chán, mọi người sẽ không thích làm việc với mình, nên mình bắt bản thân phải trở nên hướng ngoại, nhưng điều đó là rất mệt và mình cũng không đủ sức chạy theo những thú vui ngắn hạn lúc đó nữa".
Không có công việc nào hoàn toàn cho người hướng nội hay hướng ngoại
Theo 2 nghiên cứu của đại học đại học Florida và Đại học Notre Dame báo cáo rằng các nhân viên hướng nội có nhiều khả năng bị đưa ra đánh giá thấp về hiệu suất công việc so với đồng nghiệp hướng ngoại. Những người hướng nội thường đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong công việc, điển hình như thường được thưởng, tăng lương hay thăng chức hơn.
Đây cũng là một trong những lý do khiến người hướng nội ngần ngại khi phải tiếp xúc với công việc được cho là của người hướng ngoại. Đồng thời, họ "từ chối" phải nhận những nhiệm vụ hướng ngoại, bởi ngay cả bản thân lẫn xã hội đều không nghĩ rằng họ "có thể".
Song, sau những trải nghiệm của mình, người hướng nội tự nhận thấy rằng chỉ cần một lần bước ra khỏi vòng an toàn của mình, họ không "tệ" như những gì đã nghĩ về bản thân trước đó.
"Vì tất cả mọi người nói rằng mình không thể, do vậy muốn thử "phản nghịch" 1 lần nhận công việc bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ làm xem sao. Trải qua những căng thẳng lần đầu tiên phỏng vấn trực tuyến đến trực tiếp, từ 1 người sợ hãi chỗ đông người đến có chút tự tin nói chuyện với mọi người, mình nhận ra dù là người hướng nội, chỉ cần muốn, mình có thể làm được", Linh Chi chia sẻ về những ngày đầu làm công việc dành cho người hướng ngoại đến nay. Cô bạn cũng cho rằng chẳng hề có công việc dành cho người hướng nội hay hướng ngoại, miễn là bản thân muốn, cố gắng dù không để đạt kết quả tốt nhất nhưng trên mức trung bình là hoàn toàn có thể.
Đôi lúc, hướng nội như là một vỏ bọc an toàn khiến nhiều người không muốn bước ra ngoài. "Khi muốn người ta tìm cách, không muốn thì tìm lý do. Đơn giản vì bản thân sợ mình viết sai, bình luận sai, bị chỉ trích, sợ không làm tốt công việc, không đạt KPIs, và "hướng nội'' như một cái cớ hoàn hảo để mình chui vào đó, trốn tránh công việc và cả thực tại", Hoài Thịnh nhìn nhận lại khoảng thời gian né tránh công việc vì cho rằng bản thân sẽ không cáng đáng được.
Cô bạn 24 tuổi cho rằng rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa hướng nội và giao tiếp kém. Một người hướng nội luôn tìm thấy nguồn năng lượng tích cực và dồi dào khi làm việc một mình, niềm vui khi ở một mình, ghét đi tiệc. Song, cũng là người hướng nội ấy khi tham gia các hoạt động đoàn hội hay tình nguyện, tiệc tùng thì cũng "bùng nổ'' và nhiệt tình chẳng kém gì các bạn hướng ngoại cả.
"Mình cũng có khả năng giao tiếp ở mức tương đối, ngồi với ai mình cũng có thể bắt chuyện và tìm kiếm chủ đề để kết nối. Nhưng mình làm tốt không có nghĩa là mình thích. Vậy nên chúng mình cần tách bạch khái niệm hướng nội và việc hành xử kém, chối bỏ trách nhiệm công việc để biết được điểm yếu cần cải thiện", Hoài Thịnh nhấn mạnh.
Hoài Thịnh
Tương tự Hoài Thịnh, khoảng thời gian mới đi làm, Phương Uyên từng rất sợ và ngại nói chuyện, đặc biệt trước đám đông. "Thế nhưng, khi mình hiểu bản thân hơn, cố gắng trau dồi, và dám thử thì kết quả lại ngoài mong đợi. Lần 1, 2 vẫn còn rất run và sai sót, nhưng những lần sau đó, mình ngày càng cải thiện hơn. Đúng là nếu không làm thì chắc mình sẽ không bao giờ biết được, khả năng của mình có thể làm được những gì. Quan trọng với mình là chịu lắng nghe, hiểu và chấp nhận những điểm chưa hoàn thiện của bản thân, biết điểm mạnh điểm yếu mình ở đâu. Rồi từ đó chịu khó trau dồi, tìm tòi học hỏi, phát triển và hoàn thiện bản thân mỗi ngày, chứ không lấy "sự hướng nội" làm cái cớ để tự trấn an bản thân là "mình không làm được là điều đương nhiên", mà ngồi yên và không cố gắng".
Sếp nói gì khi nhân viên không nhận nhiệm vụ vì là người hướng nội?
Trong câu chuyện hướng nội đi làm việc, Vũ Anh Duy, Giám đốc Vận hành Kinh doanh tại Việt Nam của Funding Societies cho rằng đầu tiên cần phải hiểu bản chất khác biệt chính giữa hướng nội và hướng ngoại. Tính cách chúng ta tồn tại trên phổ hướng nội hướng ngoại và sự thể hiện phụ thuộc vào từng tình huống. Nói cách khác, cách bạn được tiếp thêm năng lượng hay cạn kiệt có thể xác định mức độ bạn là người hướng nội, hướng ngoại, hay hướng trung. Chính Carl Jung, nhà tâm lý học đã đưa ra hai thuật ngữ này, cho biết không có gì gọi là hướng nội hay hướng ngoại thuần túy.
Bên cạnh đó, Anh Duy chia sẻ bản thân sẽ khá phán xét nếu lý do nhân viên từ chối nhiệm vụ chung chung là tính cách không hợp. "Mình ủng hộ việc 1 người tự thấu hiểu và trung thực với bản thân, tức là lý do thật sự đằng sau việc không nhận việc là gì. Có thể do không thích, lười làm việc, hay nhiệm vụ sẽ vượt qua giới hạn chịu đựng về cơ chế năng lượng của bản thân. Và có sẵn sàng rèn luyện thử thách bản thân mình để vượt qua giới hạn đó không? Mình hoàn toàn ổn với việc bạn từ chối nhận nhiệm vụ, nhưng phải đi kèm với lý do chính đáng. Đồng thời, mình nghĩ các quản lý cũng có một phần trách nhiệm trong việc thấu hiểu đặc thù công việc mình đang giao, và đặc điểm tính cách của nhân viên của mình để có sự sắp xếp phù hợp".
Xuyên suốt quá trình đi học, đi làm, các vị trí công việc của Anh Duy đều có đặc thù phải tiêu tốn nhiều năng lượng thể chất và tinh thần. Cũng là 1 người hướng nội, cậu bạn đã thực hành 1 thuật ngữ gọi là "hướng ngoại theo nhu cầu" (extroverted on demand).
"Để cân bằng được giữa đặc điểm tính cách và công việc như vậy, điều quan trọng nhất là hiểu và biết cách làm chủ cơ chế năng lượng của chính mình. Lời khuyên này áp dụng cho cả các bạn hướng nội hay hướng ngoại ở môi trường công sở. Ngoài ra, cần nhận thức được rằng không có gì là hướng nội hướng ngoại thuần tuý, tức là mỗi chúng ta đều có khả năng, ở một mức độ nhất định, vẫn là chính mình nhưng có thể rèn luyện cơ chế năng lượng riêng để đáp ứng nhu cầu của công việc và đời sống hàng ngày".
Ảnh: NVCC