Khi thế giới cán mốc 10 tỷ người: Trái Đất sẽ ra sao?

10/03/2019 - 15:19
Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), dân số thế giới dự kiến đạt 10 tỷ người vào năm 2050. Với số dân trên, liệu Trái Đất có quá tải?

LHQ dự báo dân số thế giới tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn năm 2013 - 2020 khoảng 9,7 triệu người, chủ yếu tại châu Phi. Trong đó, một nửa dân số tăng tập trung tại 8 nước gồm Nigeria, Ấn Độ, Tanzania, Cộng hòa dân chủ Congo, Niger, Uganda, Ethiopia và Mỹ. 

Các chuyên gia dự đoán đến năm 2028, Ấn Độ sẽ đuổi kịp Trung Quốc về quy mô dân số với số dân ước đoán sẽ lên tới 1,45 tỷ người ở mỗi nước. Tuy nhiên sau thời điểm này, các nghiên cứu khác của LHQ cho thấy Ấn Độ được dự báo vượt qua Trung Quốc để chiếm vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2028. Trong những thập niên tới, dân số Ấn Độ sẽ tăng lên mức 1,6 tỷ người và giảm nhẹ xuống còn 1,5 tỷ người vào năm 2100. Dân số Trung Quốc được dự báo bắt đầu giảm sau năm 2030 và đạt 1,1 tỷ người tới năm 2100.

Nguyên nhân khiến dân số thế giới tiếp tục tăng chủ yếu do tỷ lệ sinh đẻ cao tại các nước đang phát triển và tuổi thọ bình quân tăng lên tại hầu hết các nước.

anh-atgt3.jpg
Dân số toàn cầu tăng nhanh, Trái Đất dễ quá tải

 

Các chuyên gia của LHQ nhận định, dân số toàn cầu tăng nhanh, Trái Đất dễ quá tải. Ví dụ như Trung Quốc. Tuy là nước lớn với khoảng 1,4 tỷ người và 9,6 triệu km vuông đất đai, diện tích đất có thể canh tác của Trung Quốc chiếm 9% toàn cầu nhưng phải nuôi sống 1/5 dân số thế giới. Theo tính toán, Trung Quốc phải duy trì ít nhất 1,8 tỷ mẫu đất canh tác trồng cây lương thực thì mới đủ nuôi sống 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, giới hạn đỏ này đã bị phá vỡ. Do nhu cầu của công nghiệp hóa và đô thị hóa, một lượng lớn đất canh tác đã được sử dụng để xây dựng nhà máy và nhà ở, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Tới nay, diện tích đất có thể canh tác của Trung Quốc còn chưa tới 1,5 tỷ mẫu, hơn nữa, 1/3 trong số đó lại bị ô nhiễm mưa acid.

Dự kiến tới năm 2020, nhu cầu lương thực của Trung Quốc khoảng 700 triệu tấn, nhưng chỉ tự sản xuất được 554 triệu tấn, gần 200 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu, đe dọa tới an ninh lương thực, bất chấp việc trước đó, vào năm 2006, Trung Quốc vẫn dư thừa lương thực và từng xuất khẩu 10 triệu tấn.

Theo các chuyên gia, nếu mức độ thiếu hụt lương thực khoảng 10%, xã hội đã có thể rơi vào tình trạng bất an. Trong trường hợp tỉ lệ thiếu hụt lương thực lên tới 30%, rối loạn có thể sẽ xảy ra.

Dân số toàn cầu tăng, thế giới còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Lớn nhất là thiếu đất sống, đặc biệt là nguồn nước. Theo báo cáo của LHQ Trái đất cần phải có đến 18 tháng để tái tạo những nguồn tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ trong 1 năm.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), số người thiếu đói và suy dinh dưỡng tại châu Phi tăng từ 200 triệu lên 224 triệu trong giai đoạn 2015-2016 và sẽ còn tiếp tục tăng cao theo đà phát triển dân số.

anh-dan-so.jpg
Số người thiếu đói và suy dinh dưỡng tại châu Phi còn tiếp tục tăng cao nếu mức sinh không được kiểm soát
 

LHQ cảnh báo, từ nay đến năm 2030, các nguồn nước hiện có chỉ có thể đáp ứng được 40% nhu cầu của nhân loại. Khoảng 1,6 tỷ người đang sống ở những vùng khan hiếm nước, nhưng con số này sẽ nhanh chóng lên tới 3 tỷ vào năm 2050 nếu thế giới tiếp tục cách thức sử dụng nước như hiện nay.

Nguy cơ đói nghèo, an ninh năng lượng và những bất đồng có nguyên nhân sâu xa từ vấn đề nước. Đói nghèo càng trở nên tồi tệ khi người nghèo thiếu nước.

Trong khi đó, một số nghiên cứu cho thấy, sản lượng lương thực toàn cầu đang có xu hướng trì trệ; nguồn tài nguyên đất đang dần cạn kiệt. Nói đúng hơn tài nguyên đất đang dần bị mất đi mỗi năm do tình trạng xói mòn đất. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ là vấn đề quan trọng tác động đến nguy cơ an ninh lương thực của loài người.

Theo dự báo của các nhà khoa học, nhiệt độ Trái Đất sẽ gia tăng thêm 2 độ vào cuối thể kỷ này, thậm chí con số này còn có thể gia tăng nếu như lượng phát thải khí nhà kính không suy giảm. Nhiệt độ tăng cùng đồng nghĩa với tình trạng băng tan, đe dọa tới nhiều vùng đồng bằng canh tác lúa tại các quốc gia gần biển, trong đó có Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.

Chưa kể, biến đổi khí hậu gây ra bởi khí thải nhà kính cũng gián tiếp gây nên nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan mà con người đang phải gánh chịu hiện nay như bão lũ, hạn hán, giá rét, thời tiết khắc nghiệt. Nền nông nghiệp của nhân loại cũng vì thể mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa rất lớn tới an ninh lương thực.

Theo Quỹ Dân số LHQ, trước những hệ lụy của sự phát triển dân số quá mức, mỗi quốc gia và cả nhân loại cần nỗ lực của mình trong việc kiểm soát phát triển dân số, từ đó tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu dân số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm