Chiều nay, đi học về, trông mặt con buồn rười rượi. Vừa bước vào nhà đã khoanh tay xin lỗi mẹ, tôi biết ngay con lại bị điểm thấp đây. Dù bề ngoài tỏ ra rất thất vọng với sức học của con, nhưng thực ra tôi thấy chẳng có gì nghiêm trọng cả. Với tôi, chỉ cần con biết tự ý thức về lỗi sai của bản thân để lần sau cố gắng là đủ.
Từ trước đến giờ, tôi chưa bao giờ dạy con cách đối mặt với vấp ngã, thất bại. Nhưng tôi luôn tin con sẽ không nghĩ dại khi gặp sự cố về tâm lý. Bởi mười năm qua, tôi và con là đôi bạn thân, không có chuyện gì mà con không thể chia sẻ được với mẹ. Trong cuộc sống dù là người lớn hay trẻ con, cứ có người tin tưởng để kể lể, giãi bày khi gặp khó khăn, bế tắc thì tâm lý nhất định sẽ được giải tỏa dần dần.
Bởi tôi luôn bao dung trước mọi lỗi lầm của con. Khi con bị điểm kém, khi con lười làm việc nhà, khi con mải chơi, dẫu bực tức, mắng mỏ nhiều đến đâu thì lúc kết thúc vẫn là ôm con vào lòng và thủ thỉ với con những lời nhẹ nhàng nhất có thể để con cân bằng lại cảm xúc. Đó cũng là cách giúp con đối mặt với vấp ngã của mình.
Tôi luôn kể cho con nghe những tấm gương nghị lực, vượt lên số phận khi họ rơi vào một hoàn cảnh tưởng như vô vọng. Đồng thời bản thân tôi cũng cố gắng ở mức cao nhất để làm hình ảnh trực quan sinh động cho con nhìn vào.
Trong các cuộc chuyện trò hàng ngày, tôi hay kể con nghe về những thất bại, đau khổ mà mẹ từng trải qua thời trẻ. Ví dụ như lúc thi trượt đại học, lúc bị chuyển công tác, lúc ốm đau bệnh tật trở thành người khiếm thính. Toàn những biến cố to lớn mà ngay tại thời điểm ấy cứ ngỡ như đất trời đã sụp đổ, đời mình đã chấm hết, chỉ muốn chết đi cho khỏi phải đối diện với thực tế ngày mai nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi qua êm đẹp. Bây giờ nhìn lại, chỉ thấy đó là những ngã rẽ cần thiết để mình khôn lớn, trưởng thành hơn.