pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khiến trẻ thêm yêu văn chương bằng hội họa
Các em học sinh trường Marie Curie tham quan trưng bày tranh trong khuôn khổ sự kiện
Ngày 20/4, trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023, sự kiện giao lưu ra mắt sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương đã được NXB Kim Đồng tổ chức tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội). Tham gia chương trình có nhà văn Nguyễn Trương Quý, tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh, họa sĩ Trương Văn Ngọc cùng đông đảo các em học sinh trên địa bàn Hà Nội.
Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương là artbook (sách nghệ thuật) tập hợp các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam kết hợp với những bức tranh được các họa sĩ hiện đại sáng tác. Trong đó, 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại được các họa sĩ đồng điệu cảm xúc thành tranh vẽ, giúp người đọc cách nhìn và cảm nhận khác hơn, giàu có hơn về những miền đất trên quê hương mình.
Gần 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách, thủ pháp, chất liệu đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác. Đó là những bức tranh phong cảnh màu nước hay acrylic, bột màu hay sơn dầu, tranh khắc gỗ hay kỹ thuật số…
Chia sẻ tại buổi giao lưu, tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Minh Ngọc nói, việc đặt trang trọng tác phẩm văn học bên cạnh một bức tranh có thể giúp độc giả đọc chậm và đọc kỹ. Theo chị, chúng ta đang ở trong thời đại của văn hóa nghe nhìn - thời đại mà sự rung cảm qua đôi mắt rất quan trọng. Việc thưởng thức văn học song hành cùng hội họa sẽ giúp người đọc, đặc biệt là các em học sinh mài sắc giác quan thẩm mỹ, biết nhận ra cái đẹp và yêu cái đẹp, phong phú hơn về tâm hồn và cảm xúc. Từ đó, các em cũng sẽ thêm yêu văn chương, dễ dàng cảm thụ các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.
Chị Quỳnh Liên - đại diện nhóm biên soạn sách bày tỏ, chị hy vọng cuốn sách này cũng có thể được sử dụng như tư liệu dạy và học - một gợi ý giúp giáo viên và học sinh tiếp cận tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông trong sự giao thoa với các hình thức nghệ thuật khác.