Tạo hình bằng chữ
Hồng Vân hiện là sinh viên (SV) năm cuối khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội vốn có tài viết chữ đẹp từ nhỏ. Có thời gian, cô còn tham gia dạy chữ đẹp cho nhiều học sinh tiểu học. Vì thế, cách đây 3 năm, với tình yêu con chữ sẵn có, Vân đã tìm đến với Calligraphy như một cái duyên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện chưa có giáo trình hay các lớp học dạy về Calligraphy nên Vân đã phải tự mày mò học hỏi môn nghệ thuật này qua Internet.
Vân cho biết: Bình thường, khi luyện viết chữ đẹp kiểu truyền thống, học sinh chỉ cần có bút mực, bút bi nhưng môn Calligraphy lại cần có học cụ riêng. Đó là chiếc bút chấm mực Dip pen với ngòi tòe đòi hỏi người viết phải có kỹ năng điều khiển bút để kiểm soát được nét thanh, nét đậm khi viết chữ.
Mực viết trong Calligraphy cũng có kết cấu đặc hơn, gồm nhiều màu như xanh, tím, đen, nhũ... và gần như không thể mua được trong các cửa hàng văn phòng phẩm. Giấy viết chữ Calligraphy thường là giấy mỹ thuật, hoặc giấy dó được làm thủ công để đảm bảo chữ viết ra không bị nhòe mực. Giá thành của các học cụ đắt hơn nhiều lần bút, mực, giấy thông thường, phần lớn phải nhập từ nước ngoài về.
Cách đây 6 tháng, Vân đã mở một xưởng nghệ thuật tạo chữ trên trang facebook “Trangting workshop” dành cho những người có niềm đam mê môn Calligraphy. Qua mỗi workshop kéo dài 2 buổi học, Vân sẽ hướng dẫn cho các học viên, từ chỗ chưa biết gì có thể biết cách điều khiển bút chấm mực, cách viết font chữ Calligraphy hiện đại, bố cục chữ trên giấy...
Điều thú vị không chỉ có các bạn trẻ tuổi từ 15 đến 20 mà cả các nhân viên văn phòng, các cô, bác lớn tuổi cũng tới theo học. Có người học vì viết được chữ theo phong cách Calligraphy nhưng có người lại coi đây là cách giải trí, xả stress sau những giờ học, làm việc căng thẳng. Cũng có học viên đi học để khám phá ra khả năng tiềm tàng của bản thân hay đơn giản vì thích ngắm những con chữ nhảy múa tới mức điêu luyện.
Thật thú vị, chỉ sau 2 buổi, nhiều người đã có tác phẩm chữ mang về. Tất nhiên, việc viết đẹp tới mức nào còn tùy thuộc vào năng khiếu và mức độ chăm chỉ luyện tập của từng học viên, nhưng về cơ bản, mọi người đều tiếp thu được. Calligraphy không có “chống chỉ định”, nghĩa là ngay cả với bạn trẻ viết chữ còn xấu, thì vẫn có thể học được môn nghệ thuật này.
Mong có thể “xuất khẩu” nét chữ
Để có thể viết được chữ Calligraphy đẹp, người viết rất cần kiên trì và đặc biệt có sự đam mê. Theo Vân, trung bình một học viên nên tập luyện khoảng 30 phút/ngày. Còn với Vân, thời gian đầu mới tiếp cận Calligraphy, Vân có thể dành 2-3 tiếng tập viết chữ. Ngay cả bây giờ, dù đã mở lớp dạy Calligraphy nhưng không ngày nào Vân không cầm bút viết.
Tuy nhiên, muốn viết Calligraphy thật đẹp thì một người phải cần cả năm rèn luyện. Calligraphy cho thấy tính cách riêng của mỗi người khá rõ nét. Chẳng hạn, người có tính cách phóng khoáng, sẽ chọn viết font chữ Calligraphy hiện đại, người mạnh mẽ thì nét chữ Calligraphy cũng có nhiều góc cạnh hơn, người lãng mạn chữ lại bay bổng, uốn lượn đẹp mắt. Calligraphy có rất nhiều font chữ khác nhau để mỗi người chọn theo sở thích, khả năng của mình.
Khi làm chủ được phần nào nghệ thuật Calligraphy, người viết có thể ứng dụng viết chữ trên bằng khen, giấy khen, thiệp, thư... Những lá thư được viết tay theo một phong cách chữ cổ điển nắn nót sẽ tạo cảm giác thú vị khác lạ cho người đọc hơn rất nhiều.
Ngoài ra, những ai có khả năng còn có thể đưa Calligraphy vào thiết kế menu, vẽ trang trí lên áo, tường... Riêng Vân còn nhận viết thư cảm ơn khách hàng cho các nhãn hàng, doanh nghiệp... Calligraphy không chỉ cho Vân tình yêu mà còn đem tới cho Vân một khoản thu nhập để cô có thể tự trang trải chi phí trong thời gian học đại học thay vì phải xin trợ giúp của bố mẹ.
Trong quá trình theo đuổi môn nghệ thuật này, Vân có khá nhiều kỷ niệm về những tác phẩm do mình viết ra. Chẳng hạn, với bức thư tay dài một trang A4 thôi mà Vân cần tới vài tiếng đồng hồ mới hoàn thành. Thế nhưng, có khi, tác phẩm sắp hoàn thành thì một giọt mực rơi xuống giấy là Vân phải ngồi viết lại từ đầu.
Vân từng cùng các bạn ra phố đi bộ ở Hồ Gươm viết chữ theo nghệ thuật Calligraphy để tặng khách qua đường. Trông các bạn chẳng khác gì những ông đồ, chỉ là không dùng bút lông, mực tàu mà là bút máy chấm mực. Có một bạn trẻ đã đến từ rất sớm, rồi đặt Vân viết cho mình những lời chúc Tết. Vân viết xong thì thật bất ngờ, bạn đó tặng luôn tác phẩm đó lại cho Vân.
Vân cho biết, trong tương lai, Vân ấp ủ kế hoạch sẽ có thể “xuất khẩu” nét chữ của mình ra nước ngoài thông qua các tác phẩm viết Calligraphy.