pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng nghiệp thích suy diễn
Ảnh minh hoạ:shrm.org
Người khác đi làm, nhiều khi đồng nghiệp là người bạn, người chị, người em thân thiết. Vậy mà cùng phòng với Như chỉ khiến tôi và các đồng nghiệp khác héo hon, sầu não mỗi ngày.
Phải khẳng định ngay là tôi và Như không hề có mâu thuẫn gì trong công việc. Điều khiến tôi và các đồng nghiệp trong phòng cảm thấy mệt mỏi, chủ yếu là do tính cách của Như. Thí dụ, khi có ai đó nói gì, lập tức Như sẽ suy diễn theo chiều hướng tiêu cực và tự mình kết luận rằng, người này sai, người kia mắc lỗi.
Nếu chuyện Như nói là thật thì mọi người sẽ chẳng để ý làm gì, đằng này toàn là chuyện do Như tưởng tượng ra và gán cho mọi người. Đơn cử như chuyện chị Hải sát giờ họp mới gọi cho sếp báo cáo là xe thủng lốp giữa đường nên xin phép đến muộn. Khi nghe được thông tin này, Như lập tức phán đoán: "Vợ chồng bà này chắc đêm qua tụ tập khuya, uống quá đà nên sáng nay dậy trễ. Bà í bịa ra là bị thủng lốp mà sếp cũng tin được thì hơi lạ đó!".
Nghe Như nói, ai nấy đều lắc đầu không bình luận gì thêm vì chị Hải vốn là người trách nhiệm. Hơn mười năm làm cùng nhau, hình như chị mới chỉ một hai lần đến trễ và đều có lý do chính đáng. Vì thế, chúng tôi tin chị hơn là tin vào sự suy diễn không có căn cứ của Như.
Chưa hết, hôm hạn cuối nộp đề án nhánh của phòng, sáng đó anh Trung, người được giao phụ trách đề án này, thông báo đang đưa mẹ đi cấp cứu. "Trong buổi sáng, mọi người chuyển phần sếp yêu cầu điều chỉnh cho anh. Anh sẽ cố gắng để hoàn thiện vào cuối giờ chiều để nộp đúng thời hạn!".
Trong lúc mọi người hỏi thăm tình trạng của mẹ anh Trung thì Như đã bắt đầu phát... tín hiệu: "Mọi người có tin là mẹ anh ấy đi cấp cứu thật không?". Không thấy ai nói gì, Như vẫn tiếp tục: "Mẹ anh ấy trẻ khỏe như thế, bình thường một mình trông ba đứa cháu. Sao ngày nào cũng khỏe mà đúng hôm nay lại bệnh? Có phải bác í cũng khéo chọn ngày ốm để con "né" được hạn cuối không nhỉ?".
Mấy hôm sau, cả phòng rủ nhau đến thăm mẹ anh Trung bị ngã gãy chân. Có người thì thào hỏi "đểu" Như: "Hay là bác í tự ngã để giúp con trai nhỉ?". Như bặm môi, lắc đầu không cất lời như mọi khi. Mà thực ra, hôm đến hạn nộp đề án, trước khi kết thúc giờ làm gần 2 tiếng, anh Trung đã chuyển toàn bộ nội dung cần sửa đổi cho sếp. Ai cũng ngưỡng mộ vì với khối lượng công việc lớn vậy mà anh vẫn có thể hoàn thành tốt, không một lỗi sai.
Hay như có dạo, sếp đến công ty với dáng vẻ bơ phờ, quần áo không được chau chuốt như bình thường. Mọi người đều nghĩ nhà sếp có việc gì nhưng Như thì khẳng định luôn: "Vợ chồng sếp đang... trục trặc! Các chị tin hay không thì tùy, mấy hôm trước em gặp sếp bà ngồi với... bạn trai ở nhà hàng X. Anh này trông phong độ, trẻ trung hơn sếp nhà mình nhiều. Nhìn bộ dạng sếp mấy hôm nay thì chắc chắn là bị vợ cắm sừng rồi!".
Như sẽ cứ "bô bô" như thể đang sáng tác tiểu thuyết nếu như trưởng phòng tôi không lên tiếng: "Tôi vừa họp với sếp về đây. Mẹ vợ sếp bị tai biến, sếp phụ vợ chăm sóc mẹ. Đó là lý do nhìn sếp mệt mỏi đấy!".
Nghe vậy, Như đã định "lỉnh" ra khỏi phòng nhưng hôm đó, chị trưởng phòng tôi đã gọi Như lại và yêu cầu họp phòng gấp. "Em còn định giữ cách sống này đến bao giờ nữa? Chị nhớ, chị và mọi người đã góp ý cho em rất nhiều lần về việc nên ngừng suy diễn về người khác nhưng em không chịu thay đổi. Sống kiểu đó, em không thấy mệt nhưng những người xung quanh em đều rất mệt! Chị hy vọng đây là lần cuối phải nhắc nhở em về chuyện này!".
Hôm đó, chị trưởng phòng đã dẫn ra một số người phải "gánh" hậu quả từ những câu chuyện suy diễn của Như. "Về bản chất em không phải là người xấu nhưng cách hành xử của em lại rất xấu. Chắc lúc tưởng tượng, em không nghĩ sẽ gây khó khăn cho người khác thế nào đâu đúng không? Đừng để trí tưởng tượng của em làm khổ mọi người nữa nhé!"...