Khoa học mang lại hạnh phúc cho phụ nữ

19/10/2018 - 22:40
Đó là thông điệp ý nghĩa mà phiên hội thảo chuyên đề “Giới và bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” mang lại. Qua đó giúp lan tỏa tinh thần yêu khoa học, khát khao cống hiến của các nhà khoa học nữ trong kỷ nguyên số.
Đầu tư cho “nhóm tinh hoa”
 
Trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, phiên hội thảo chuyên đề “Giới và bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” đã diễn ra với sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
 
nha-khoa-hoc-nu-binh-dang-gioi-2.JPG
Phiên hội thảo “Giới và bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”

  

Các diễn giả bàn thảo đến thực trạng, cơ hội, thách thức đối với nữ trí thức, các nhà khoa học nữ và các giải pháp nhằm cải thiện, thu hẹp khoảng cách giới trong khoa học - công nghệ. GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, để thu hút các nữ sinh viên vào ngành kỹ thuật cần rất nhiều giải pháp: Bằng chính hiệu quả thực tế, bằng những giải pháp của chính phủ đầu tư cho các ngành này để đảm bảo cơ sở vật chất, sự bình đẳng trong cơ hội nghiên cứu cho nữ giới.
 
nha-khoa-hoc-nu-binh-dang-gioi-1.JPG
GS.TS Nguyễn Thị Doan (thứ 2, từ phải sang) cùng các nhà khoa học nữ Việt Nam
 
 
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của truyền thông trong tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hình ảnh của các nhà khoa học nữ, giới thiệu các công trình nghiên cứu, các sản phẩm của các nhà khoa học nữ kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Truyền thông phải tập trung hơn nữa vào giáo dục đào tạo, về nghiên cứu khoa học, về bình đẳng giới. 
 
Bà Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 là thành quả chung của toàn nhân loại, nó sẽ không có ranh giới giữa nào nam và nữ mà phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính mỗi người, mỗi giới để khẳng định vai trò, vị thế của mình.
 
Còn PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại Việt Nam - chia sẻ rằng quan điểm phân biệt giới vẫn còn tồn tại ở một số bộ phận trong xã hội, kìm hãm sự tiến bộ, thăng tiến của nữ trí thức. Bên cạnh đó, vai trò giới trong gia đình đặt lên vai người phụ nữ những gánh nặng, khiến họ ít thời gian dành cho công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, nguồn kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học còn eo hẹp, sự tôn vinh chưa kịp thời, tuổi về hưu của nữ giới sớm hơn 5 năm đã ảnh hưởng, tác động nhiều đến con đường nghiên cứu khoa học của nữ giới.
 
nguyen-thi-bich-loan.jpg
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại Việt Nam
 
Theo bà Bích Loan, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ, đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, cần tiếp tục trao quyền cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể hóa vào các chính sách. Đội ngũ nữ khoa học là nhóm tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, cần tạo điều kiện để họ hoàn thành tốt sứ mệnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
 
Tạo môi trường cho các nhà khoa học nữ phát triển
 
Trong kỷ nguyên số, chia sẻ bên lề hội thảo, các chuyên gia đến từ Hiệp hội Kỹ sư và nhà khoa học nữ Hàn Quốc (KWSE) nhấn mạnh, các nhà khoa học và kỹ sư nữ cần hội nhập quốc tế. KWSE đã và đang tích cực tham gia vào lĩnh vực ngoại giao khoa học để xây dựng một mạng lưới quốc tế với các nhà khoa học và kỹ sư nữ trên toàn thế giới. Từ năm 2013, KWSE đã điều hành Chương trình chị em thông minh quanh năm cho các nhà khoa học và kỹ sư nữ Hàn Quốc và quốc tế trẻ tuổi sinh sống tại Hàn Quốc. Mục tiêu của chương trình là giúp các nhà khoa học và kỹ sư nữ Hàn Quốc và nước ngoài nâng cao năng lực toàn cầu, tham gia trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và thách thức trên mạng lưới chính thức. Chương trình bao gồm các cuộc họp về quy mô của khu vực và quốc gia, nơi cố vấn, các chuyến đi thực địa đến viện nghiên cứu và các ngành công nghiệp, mời bài giảng và trao đổi thông tin trực tuyến hoặc ngoại tuyến về học thuật, việc làm, nghề nghiệp và văn hóa Hàn Quốc. KWSE còn tổ chức Chương  trình trại nhà khoa học nữ trẻ (YWS). Chương trình YWS là dịp để đại biểu trẻ mở rộng vốn sống, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm và thảo luận về tương lai, khoa học và vấn đề giới.  
 
cac-nha-khoa-hoc-han-quoc.jpg
Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Kỹ sư và nhà khoa học nữ Hàn Quốc (KWSE)
  
Từ năm 2016, KWSE đã luôn tạo điều kiện cho các nhà khoa học và kỹ sư nữ cơ hội để tổ chức nhiều hội nghị nghiên cứu trong và ngoài nước. Dự án tạo điều kiện để các cá nhân nữ nghiên cứu khoa học kết nối, trao đổi nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, mở rộng mạng lưới hợp tác và tăng cường khả năng nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học nữ nổi bật trong 6 lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ nano, không gian vũ trụ, năng lượng, thông tin và môi trường đã được hưởng lợi từ Dự án kết nối trên.
 
KWSE cũng sẽ tập trung vào việc khuyến khích phụ nữ tham gia tích cực trong các ngành công nghiệp mới có liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. KWSE sẽ tổ chức một kênh ý kiến ​​để tìm hiểu cách thiết lập một môi trường cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho phụ nữ. KWSE cũng sẽ tập trung trong lĩnh vực khởi nghiệp dành cho nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm