Khởi kiện trốn đóng BHXH, công đoàn kêu khó

14/07/2016 - 18:00
Mặc dù có quy định xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH, nhưng chỉ 6 tháng năm 2016, số tiền nợ, chậm đóng BHXH tăng gấp 2 lần so cả năm 2015. Công đoàn, tổ chức có quyền đưa chủ doanh nghiệp ra tòa cho rằng việc khởi kiện quả là khó.
bhxh1.jpg
 Hàng trăm công nhân làm gia công may mặc thuộc Công ty Diễn Viên (Bình Dương) có nguy cơ mất trắng quyền lợi BHXH do công ty này trốn đóng 13,5 tỉ đồng BHXH. Nguồn ảnh: laodong.com.vn

Bên lề Diễn đàn “Đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội mới” diễn ra 13/7 tại Hà Nội, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động VN), cho biết: 6 tháng đầu năm 2016, tình hình nợ BHXH có chiều hướng tăng cao. Năm 2015, mức nợ đóng BHXH chỉ khoảng 3,8% của tổng số thu. Đến nay số nợ này đã chiếm hơn 6% tổng số thu với số tiền lên hơn 14.500 tỷ đồng.

Theo Bộ luật Hình sự 2015, người sử dụng lao động chây ì, trốn đóng bảo hiểm sẽ bị xem xét xử lý hình sự, cụ thể điều 216 qui định: Người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên với số tiền không đóng từ 50 triệu đồng hoặc không đóng cho từ 10 người trở lên, thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Đồng thời, pháp nhân công ty trốn đóng BH cũng bị phạt từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng.

Mặc dù đã có chế tài hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động nhưng việc khởi kiện hành vi này trên thực tế không hề đơn giản. Theo qui định, tổ chức Công đoàn có quyền tiếp nhận, khởi kiện chủ doanh nghiệp vi phạm, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Ông Quảng cho rằng, quyền lợi người lao động bị vi phạm trực tiếp, công đoàn có trách nhiệm khởi kiện. Tuy nhiên, đảm nhiệm vai trò này, Công đoàn gặp không ít khó khăn về nguồn lực con người, kinh phí, nguồn thông tin, các thủ tục... để theo đuổi vụ kiện trong thời gian dài. Theo ông Quảng, “Chủ tịch Công đoàn cơ sở thường là người làm công ăn lương, kiêm nhiệm. Người làm công kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH thì quả là khó”.

Đại diện Tổng liên đoàn lao động VN kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH,  tăng cường xử phạt, đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật, bảo vệ quyền lợi người lao động.

nguoi-lao-dong.jpg
 Người lao động chịu nhiều thiệt thòi khi chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH (ảnh minh họa)


Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng hình sự hóa xử lý vi phạm trốn đóng BHXH là “vấn đề không mong muốn”. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự, buộc phải chậm đóng BHXH, nhưng cũng “không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng để giảm chi phí”. Theo ông Huân, hiện nay vẫn dùng biện pháp hành chính đề giải quyết vấn đề nợ, trốn đóng bảo hiểm. Nếu biện pháp hành chính không được thì buộc phải khởi kiện. “Hình sự hóa xử lý vi phạm trốn đóng BHXH là việc cực chẳng đã”, ông Huân khẳng định.

Trường hợp trước 1/7, áp dụng theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia, thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó, doanh nghiệp phải đóng đủ số tiền còn thiếu; bị phạt tiền, cộng với phạt lãi suất chậm đóng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm