Khởi tố vợ bóp 'chỗ hiểm' khiến chồng tử vong

01/08/2016 - 17:37
Khởi tố người vợ bóp đúng 'chỗ hiểm' khiến chồng tử vong; Cô giáo mầm non “bán sữa giá rẻ” lừa 15 tỉ đồng; Khởi tố cán bộ xã chiếm đoạt tiền thờ cúng liệt sĩ… là những tin tức nổi bật trong bản tin pháp luật hôm nay, 1/8.

# Kẻ giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo vừa bị khởi tố

Ngày 1/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết vừa khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Phạm Thanh Tuấn (sinh năm 1981, ngụ phường 11, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan tổ chức”.

Giả danh nhân viên ngân hàng, Tuấn đã làm giả giấy tờ của các ngân hàng để lừa đảo các cửa hàng điện tử, chiếm đoạt hàng trăm sản phẩm với trị giá gần 2 tỷ đồng.

Theo Cơ quan điều tra, Tuấn khai nhận trước đây từng làm việc tại một ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và biết các ngân hàng thường ký hợp đồng mua hàng điện tử để làm chương trình khuyến mãi chăm sóc khách hàng.

Lợi dụng việc này, Tuấn giả làm nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho các điểm bán hàng điện tử để thỏa thuận về việc mua hàng của ngân hàng. Tuấn sử dụng phần mềm photoshop để tạo các bản hợp đồng mua bán giả, in màu, có đóng dấu giả rồi thuê người mang hợp đồng giả đến giao cho các cửa hàng điện tử.

Theo Cơ quan điều tra, đây là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng 6/2016 đến nay. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 3 kêu gọi các đơn vị, các nhân từng là bị hại của Tuấn hoặc bị lừa đảo bằng thủ đoạn tương tự thì đến Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận 3 (số 243 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 4, quận 3, điện thoại 08.3832077) để trình báo.

# Khởi tố người vợ bóp “chỗ hiểm” khiến chồng tử vong

Ngày 1/8, thượng tá Đặng Nam Hưng - phó trưởng phòng cảnh sát hình sự (PC45) công an tỉnh Tiền Giang - cho biết bước đầu đã thống nhất với Viện KSND cùng cấp khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Phan Thị Kim Chưởng để điều tra về tội giết người.

ban-tin-phap-luat-drbacsi.jpg
 Rất nhiều người dân có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc

Như đã thông tin, bà Chương (55 tuổi, ngụ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã xô xát và bóp "chỗ hiểm" của chồng khiến ông Lê Kim Khải (53 tuổi, chồng bà Chưởng) tử vong.

Được biết, ông Khải và bà Chưởng cưới nhau nhiều năm nay, có 2 con gái chung. Gần đây hai vợ chồng đã ly thân nhưng vẫn cùng làm và nuôi con.

Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng 21h30 tối 10/7, ông Khải đến nhà bà Chưởng. Khi đến nơi thấy cửa đóng, ông Khải gọi cửa nhưng bà Chưởng cùng con gái không mở. Ông Khải dùng cưa sắt cưa đứt ổ khóa để mở cửa.

Sau đó, giữa ông Khải và bà Chưởng cự cãi dẫn đến đánh nhau. Ông Khải đánh bà Chưởng, con gái vào can cũng bị ông này đánh. Bà Chưởng tri hô cầu cứu hàng xóm.

Trong lúc cả hai giằng co, bà Chưởng túm “của quý” của ông Khải, kéo mạnh làm ông té xuống. Bà Chưởng leo lên bụng, bóp chặt chỗ hiểm rồi gọi điện báo công an.

Khoảng hơn 5 phút sau, được hàng xóm khuyên can, bà Chưởng mới chịu buông ra. Lúc này ông Khải đã tím tái nằm bất động, được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trên đường đi.

Kết quả giám định pháp y, nạn nhân chết do tràn dịch, thức ăn vào khí quản dẫn đến ngạt, ngừng hô hấp và tử vong.

Tại cơ quan công an, bà Chưởng khai nhận do bị ông Khải đánh đập nên  bà chỉ định bóp “của quý” của ông để cảnh cáo.

#Khởi tố cán bộ xã chiếm đoạt tiền thờ cúng liệt sĩ

Ngày 1/8, Công an thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Thành (37 tuổi, trú thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng) và thực hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Thành để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi tham ô tài sản.

Theo kết luận điều tra ban đầu, Công an thị xã Điện Bàn xác định ông Lê Văn Thành, nguyên cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Điện Hồng, đã có nhiều sai phạm nhằm chiếm đoạt tiền thờ cúng liệt sĩ. Cụ thể, theo quy định của Nhà nước, từ năm 2013 Nhà nước bắt đầu có chế độ trợ cấp 1 lần tiền thờ cúng liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ không nhận tiền tuất hằng tháng với mức trợ cấp 500.000 đồng/1 liệt sĩ/1 năm và sẽ được truy lĩnh từ thời điểm này.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Thành đã tự ý ký giả vào danh sách nhận tiền của 33 thân nhân thờ cúng 40 liệt sĩ và đã quyết toán với Phòng LĐ-TB&XH thị xã Điện Bàn để chiếm đoạt số tiền 38 triệu đồng.

Ngoài ra, Công an thị xã Điện Bàn cũng xác định ông Lê Văn Thành còn chiếm đoạt tiền điều dưỡng năm 2015 của các đối tượng chính sách, người có công. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy hầu hết các đối tượng thuộc diện điều dưỡng mỗi năm 1 lần thì ông Thành thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, các đối tượng được nghỉ dưỡng 2 năm 1 lần thì ông Thành đã tự ký giả vào danh sách, quyết toán 13 trường hợp để chiếm đoạt số tiền hơn 14 triệu đồng. Việc quyết toán số tiền này đã hoàn thành vào năm 2015.

Không những chiếm đoạt tiền của các liệt sĩ, người có công mà Thành còn giả thêm chữ ký để nhận tiền điều dưỡng của người đã chết, đó là những đối tượng nghỉ dưỡng đã chết năm 2014 như ông Lê Văn Lưỡng (thôn Ba, xã Điện Hồng) hay ông Lê Công Yêm (thôn Đa Hòa Nam, xã Điện Hồng) đã bị đối tượng Thành giả chữ ký để nhận tiền điều dưỡng.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ.

# Cô giáo mầm non “bán sữa giá rẻ” lừa 15 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An vừa kết thúc hồ sơ chuyển VKS cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thị Thúy Vân (47 tuổi, ngụ phường 4, TP.Tân An - nguyên giáo viên trường mầm non tư thục tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo kết luận điều tra, cuối tháng 5-2015, bà Vân đang là giáo viên mầm non tư thục tìm đến một số người quen để gợi ý mua bán sữa với giá rẻ hơn thị trường, sau đó đem bán giá cao sẽ lời nhiều. Tin vào lời “tiếp thị” đó, nhiều nạn nhân đã sập bẫy lừa của cô giáo khi đưa tiền đặt cọc nhiều lần.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Điểm (SN 1968, ngụ thị trấn Bến Lức) bị lừa với số tiền đặt cọc mua sữa và mượn lên đến 3 tỉ đồng, chị Nguyễn Thị Mười 2,31 tỷ đồng, Đào Thị Thanh Tuyền 595 triệu đồng, Nguyễn Văn Tốt 1,22 tỉ đồng, Nguyễn Thị Y 6,2 tỉ đồng, Lê Thị Tuyết Sương 1,05 tỉ đồng và Nguyễn Thị Kim Huyền 797 triệu đồng, … Tổng số tiền bà Vân lừa đảo lên đến 15 tỉ đồng.

Khi sự việc bị phát hiện, bà Vân đã nhiều lần hẹn cho thời gian để tìm tiền trả lại cho các con nợ, sau đó bà Vân cứ tìm cách né tránh ở nhiều nơi.

Xác định cô giáo có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cuối tháng 11/2015, những cá nhân trên đã làm đơn đến Công an Long An tố giác về hành vi chiếm đoạt tiền của họ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm