Không bỏ điểm sàn vào đại học

03/02/2017 - 15:06
Theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 mới được công bố, Bộ GD&ĐT quyết định vẫn giữ nguyên điểm sàn trong mùa tuyển sinh 2017. Trước đó, dự thảo quy chế đề ra việc bỏ điểm sàn gây xôn xao dư luận.

Quy chế mới do Bộ GD&ĐT quy định, trong mùa tuyển sinh 2017 vẫn giữ nguyên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

 Bộ GD&ĐT vẫn duy trì ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào đại học năm 2017. Ảnh: D.H.

Cụ thể, từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, mỗi trường sẽ tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.

Như vậy, khác với dự thảo bỏ điểm sàn được công bố trước đó, năm 2017, Bộ GD&ĐT vẫn quyết định duy trì điểm sàn tuyển sinh vào đại học.

Về dự định trên, theo Bộ GD&ĐT, ngưỡng điểm chung không còn phù hợp với xu thế đào tạo các ngành nghề ngày càng đa dạng. Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH, CĐ công bố công khai điều kiện xét tuyển trong đề án tuyển sinh của mình sớm nhất sau kỳ thi để thí sinh dễ dàng lựa chọn.

Ủng hộ quyết sách này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, các trường được quyền lựa chọn phương án xét tuyển đầu vào theo học bạ hoặc tổ chức thi riêng. Điều này khiến điểm sàn sẽ không còn ý nghĩa như trước.

“Không có điểm sàn, các trường sẽ hết sức cân nhắc để quyết định ngưỡng này sao cho hợp lý. Chất lượng đào tạo mới là yếu tố thu hút thí sinh, giúp nhà trường tồn tại lâu dài”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối điều này với lý giải, do chất lượng đề thi và việc tổ chức thi đã ổn định, mức điểm tối thiểu để đỗ tốt nghiệp THPT đã ngang bằng với điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy, duy trì 2 mức điểm giống nhau là không cần thiết.

Ngoài ra, việc làm điểm sàn còn tốn kém và mất thời gian. Việc bỏ điểm sàn còn giúp thí sinh không phải 2 lần chờ đợi hồi hộp, lo lắng. Một số chuyên gia giáo dục lại lo ngại tình trạng nhiều trường tăng cơ hội tuyển sinh để đủ chỉ tiêu, đặc biệt là khối trường tư thục.

Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Theo quy chế thi, thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, nếu ĐKXT vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm