Không có đề minh họa thi THPT 2020: Cả giáo viên, học sinh đều lo lắng

N.Lam
31/12/2019 - 15:10
Không có đề minh họa thi THPT 2020: Cả giáo viên, học sinh đều lo lắng
Tránh xáo trộn tâm lý học sinh là lý do của Bộ GD&ĐT đưa ra, khi không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020. Việc tổ chức kỳ thi dù được khẳng định giữ ổn định như các năm trước, song các sĩ tử vẫn tỏ ra băn khoăn khi không có kỳ thi minh họa được cập nhật theo năm.

Giữ ổn định kỳ thi nên không có đề minh họa

Khác với năm 2019, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay sẽ không có đề thi minh họa -  thông tin tham khảo được cho là khá quan trọng đối với sĩ tử. Trước đó, vào thời điểm khoảng cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT cung cấp các bộ đề thi minh họa để thí sinh nắm bắt tinh thần chung về cách ra đề và khối lượng đề thi, phạm vi nội dung thi. Tuy nhiên, năm nay, việc này không còn diễn ra.

Không có đề minh họa thi THPT 2020: Tránh xáo trộn tâm lý hay càng làm học sinh lo lắng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lý giải về điều này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết việc này không cần thiết, bởi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cơ bản được giữ ổn định như năm 2019. Theo ông Trinh, thí sinh và các nhà trường có thể tham khảo đề thi chính thức và đề thi minh họa của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để biết cách thức ra đề và có hướng ôn thi phù hợp.

Năm 2019, kỳ thi THPT Quốc gia có 5 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm ba môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, chỉ có môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn thi, bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Đề thi THPT Quốc gia năm 2019 có nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, ngoài ra có một số nội dung ở chương trình lớp 11. Các câu hỏi trong đề tăng dần độ khó để đảm bảo tính phân hóa khi các trường xét tuyển vào đại học, học viện.

Học sinh vẫn "nhấp nhổm"

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã khẳng định không có biến động về việc ra đề thi so với năm 2019, song cả giáo viên và học sinh đều cảm thấy băn khoăn. Với sĩ tử, việc có bộ đề minh họa trước kỳ thi vẫn khiến các em cảm thấy yên tâm khi được "tập dượt" đề thi trước kỳ thi quan trọng.

Cô Đình Thị Thủy, giáo viên dạy Văn trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy học sinh vẫn thích có đề minh họa hơn, từ đó có thể có cơ sở ôn tập đúng hướng, chính xác hơn. Với việc không có đề minh họa, việc ôn tập của giáo viên và học sinh tuy vẫn diễn ra bình thường, song phạm vi ôn tập vẫn đảm bảo rộng hơn, nhiều dạng bài thi hơn để tạo sự yên tâm cho học sinh.

"Dù về lý thuyết, học sinh sẽ tự tạo kỹ năng giải quyết nhiều dạng đề khác nhau, nhưng ít nhiều vẫn khiến việc ôn tập trở nên vất vả hơn và lo lắng hơn. Chính vì vậy cô trò chúng tôi xác định tinh thần ôn nhiều dạng đề càng tốt" - cô Thủy chia sẻ.

Còn đối với Trịnh Thu Giang (học sinh tại Cầu Giấy, Hà Nội), việc không có đề thi minh họa khiến em thấy thiếu yên tâm hơn. Mặc dù xác định sẽ phải ôn tập đa dạng đề thi, song Giang cho biết yếu tố tâm lý vẫn ảnh hưởng ít nhiều. "Chúng em được một lần tập dượt làm đề, dù sao vẫn cảm thấy thoải mái hơn, có động lực để tiếp tục ôn tập trong chặng nước rút. Việc không có đề khiến chúng em cảm thấy khó lường về cách ra đề cho kỳ thi tới" – Giang chia sẻ.

Nữ sinh cũng thừa nhận, việc ôn thi đang trở nên căng thẳng hơn kể từ thời điểm bây giờ đối với em và cả gia đình, với 4 - 5 buổi ôn thi ở trung tâm trong một tuần, chưa kể thời gian tự học, học theo nhóm. Việc ôn tập tất cả dạng đề khiến Giang cảm thấy khá căng thẳng, không còn cách nào khác đành cố gắng để đạt kết quả thi tốt nhất.

Theo ý kiến của một số giáo viên, dù Bộ GD&ĐT cam kết đề thi không có nhiều biến động gì so với mọi năm, song cách thức ra đề mỗi năm chắc chắn một khác theo hướng cải tiến, sáng tạo hơn. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT cần có định hướng kỹ lưỡng hơn về những thay đổi này cho giáo viên và học sinh, trong trường hợp không có đề thi minh họa.

Cô Nguyễn Thị Hải (giáo viên THPT ở TP Vinh, Nghệ An) cho biết, bản thân cô vẫn mong muốn Bộ GD&ĐT xây dựng và công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, như một "liệu pháp" về phương pháp lẫn yếu tố tâm lý cho thầy trò trong giai đoạn nước rút này. "Đề thi minh họa sẽ biết giáo viên có định hướng để biết hướng giảng dạy, nắm được đề minh họa sẽ giúp chúng tôi cảm thấy hiệu quả hơn trong quá trình ôn luyện cho các em, ít nhất là hình dung được về độ dễ - khó của đề so với các năm trước đến đâu" – cô nói.

Chia sẻ thêm về những tâm tư này, ThS Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), chia sẻ: "Chắc chắn có đề minh họa sẽ tốt hơn, tuy vậy về cơ bản, hình thức thi, nội dung, mức độ cũng như cấu trúc các đề thi THPT Quốc gia năm 2020 giữ ổn định như năm 2019. Theo đó, các trường THPT có thể căn cứ vào đề minh họa cũng như các đề chính thức của năm 2019 để đưa ra kế hoạch ôn tập cho học sinh", ThS Nhâm cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm