Không có giới hạn hay định kiến nào có thể cản trở việc phụ nữ tiếp cận lĩnh vực STEM

Bảo Nguyên - Ảnh: NVCC
26/07/2022 - 14:54
Dự án JUST SIGN của Vũ Diệp Linh, sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Kiểm toán, Học viện Tài chính và nhóm bạn vừa được chọn để trao giải Nhất trong cuộc thi “Em yêu STEM”.

Vũ Diệp Linh, trưởng nhóm và đồng sáng lập của JUST SIGN, chia sẻ, dự án có 5 thành viên (trong đó có 2 nữ) đến từ các trường đại học khác nhau. Ngoài Linh còn có: Lều Thị Hằng, trường ĐH Ngoại thương; Bùi Viết Đạt, trường Đại học Y Hà Nội; Đàm Tuấn Quỳnh, trường ĐH Kinh tế quốc dân; Đỗ Quang Mạnh, trường Đại học FPT.

Vũ Diệp Linh biết đến cuộc thi "Em yêu STEM" khi làm Đại sứ chương trình STEMherVN (thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực STEM) do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) điều phối thực hiện.

Chạm đến trái tim

JUST SIGN ra đời vào tháng 6/2021. Như một mối duyên khi Linh tham gia cuộc thi khởi nghiệp xã hội, được kết nối với các thành viên trong nhóm một cách ngẫu nhiên. Trong quá trình làm việc cùng nhau, đa số thành viên trong nhóm đều có mối quan tâm chung với đối tượng yếu thế trong xã hội, cụ thể là người khiếm thính.

Không có giới hạn hay định kiến nào có thể cản trở việc phụ nữ tiếp cận lĩnh vực STEM  - Ảnh 2.

Mô tả tính năng cốt lõi của JUST SIGN.

"Nhóm đã cùng nhau nghiên cứu, khảo sát và nhận ra rằng người khiếm thính đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, dịch vụ công… Nguyên nhân bắt nguồn từ rào cản giao tiếp. Người khiếm thính thường giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đa số người thân, đồng nghiệp và mọi người xung quanh họ lại không biết về ngôn ngữ này. Xuất phát từ thực trạng này, nhóm cùng đưa ra một ý tưởng là áp dụng công nghệ để phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu", Linh hào hứng chia sẻ.

Không có giới hạn hay định kiến nào có thể cản trở việc phụ nữ tiếp cận lĩnh vực STEM  - Ảnh 3.

Vũ Diệp Linh chia sẻ về câu chuyện chạm đến trái tim khiến cô và nhóm bạn muốn nỗ lực nhiều hơn cho ứng dụng JUST SIGN.

Trong quá trình khảo sát cộng đồng người khiếm thính, nhóm của Linh không thể giao tiếp để trao đổi và tìm hiểu về các vấn đề mà họ đang gặp phải bằng ngôn ngữ của họ. Linh tâm sự: "Có câu chuyện đã thực sự chạm đến trái tim của tôi. Đó là khi trao đổi với một cậu bé bị điếc bẩm sinh ở Hưng Yên, mới gặp, bé đã ghi ra câu hỏi: Chị có biết ngôn ngữ ký hiệu không? Khi đó tôi chưa học về ngôn ngữ ký hiệu nên khá lúng túng. Nhưng cậu bé đã chia sẻ rất hồn nhiên về bản thân, gia đình. Bé ghi rằng bé phải nghỉ học và ở nhà phụ mẹ bán hàng, trong khi em gái nghe bình thường thì được đi học cao hơn. Khi đọc tâm sự đó, nhóm tôi đã có thêm động lực để biến ý tưởng thành hiện thực. Ngoài việc nghiên cứu về công nghệ, nhóm đã cùng nhau tìm hiểu và đăng ký lớp học ngôn ngữ ký hiệu".

Không có giới hạn hay định kiến nào có thể cản trở việc phụ nữ tiếp cận lĩnh vực STEM  - Ảnh 4.

Các thành viên trong nhóm đều có mối quan tâm chung với đối tượng yếu thế trong xã hội.

Chúng em lấy tên JUST SIGN đặt cho tên sản phẩm, tên dự án, tên team vì nó hàm ý ngôn ngữ ký hiệu cũng sẽ giống như các ngôn ngữ tự nhiên khác (tiếng Việt, tiếng Anh,...) sẽ trở nên đơn giản và phổ biến hơn để bất kỳ ai cũng có thể giao tiếp dễ dàng với người Điếc.

JUST SIGN là ứng dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu thành ngôn ngữ tự nhiên và ngược lại, với công nghệ chính là kết hợp AI và Computer Vision (thị giác máy). Diệp Linh kể, nhóm đã tích cực nghiên cứu và phát triển công nghệ sản phẩm. Tuy đã có bản thử nghiệm với một số từ ngữ thông dụng nhưng độ chính xác vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Thực tế, ngôn ngữ ký hiệu là sự kết hợp của cả bàn tay, cánh tay, ngón tay và biểu cảm khuôn mặt nên việc đào tạo cho AI nhận diện được các cử động nhanh, đa dạng của cơ thể là điều không dễ dàng.

Thêm động lực từ bố mẹ

Ngay từ nhỏ, Linh đã được bố mẹ rèn giũa để hiểu "giáo dục là nền tảng cốt lõi, là chìa khóa tương lai để thành nhân, thành nghiệp". Bố mẹ đã tạo điều kiện tốt nhất cũng như định hướng cho Linh phát triển bản thân. "Bố mẹ tôi không áp đặt, không có định kiến rằng con gái phải chọn công việc nhẹ nhàng, ổn định hay việc con gái theo học các ngành công nghệ, kỹ thuật thì vất vả, khó xin việc... Do vậy, tôi cảm thấy có thêm động lực để tự tin và cố gắng theo đuổi lựa chọn của mình", Linh chia sẻ.

Không có giới hạn hay định kiến nào có thể cản trở việc phụ nữ tiếp cận lĩnh vực STEM  - Ảnh 6.

Nhóm của Linh đã bán bao lì xì tự thiết kế để gây quỹ Tết xanh- tặng quà cho các em nhỏ khiếm thính.

Trong dịp Tết 2022, nhóm của Linh đã bán bao lì xì tự thiết kế để gây quỹ Tết xanh- tặng quà cho các em nhỏ khiếm thính tại trung tâm khiếm thính Hướng dương. "Bố mẹ tôi đã giúp đỡ nhóm rất nhiều trong việc truyền thông và giới thiệu chương trình đến với bạn bè, đồng nghiệp. Đúng là khi có hậu phương vững chắc thì tiền tuyến sẽ tự tin và thuận lợi hơn rất nhiều", Linh hóm hỉnh nói.

"Khi tham gia cuộc thi 'Em yêu STEM', tôi biết đến nhiều dự án khác có tính ứng dụng cao, hầu hết trong số đó đều có sự tham gia của các nữ sinh. Điều này khiến tôi thấy rằng, không có giới hạn hay định kiến nào có thể cản trở việc phụ nữ tiếp cận công nghệ nói riêng và lĩnh vực STEM nói chung. Mọi thứ đều cần một quá trình học hỏi, nghiên cứu, tích lũy và mọi người đều có quyền bình đẳng trong giáo dục, xã hội. Sau khi tham gia khóa học code cơ bản từ chương trình STEMherVN, tôi cảm thấy vô cùng hứng thú và đã tự tạo một trang web cho dự án của mình. Có thể thấy, STEM không hề khô khan, khó nhằn, cũng không hề là lĩnh vực của riêng giới nào. Vì vậy, nếu các bạn nữ yêu thích lĩnh vực STEM thì đừng ngần ngại, hãy tự tin theo đuổi lựa chọn, đam mê của mình".

Vũ Diệp Linh



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm