6 giờ tối, Phạm Văn Tường (SN 1988, ngụ phường An Bình, Thị xã Dĩ An, Bình Dương) rời khỏi công ty sau hơn 1 tiếng rưỡi tăng ca. Hơn cả tuần nay, từng bước chân của anh trở nên nặng trĩu, trong đầu là hàng chục câu hỏi chưa có lời đáp.
“Tôi tính bàn với mẹ bán căn nhà ở quê, vay mượn thêm cũng được 200 triệu đồng. Nhưng như thế vẫn thiếu nhiều quá. Bác sĩ nói phải có hơn 500 triệu”, Tường ngồi giữa ngôi nhà trọ nói, buồn rũ rượi.
Như đa phần chỗ ở của những người công nhân khác, căn phòng trọ của gia đình Tường rất chật hẹp, rộng chỉ chừng hơn 10m2, chẳng có vật dụng gì thực sự đáng giá.
Tường quê Hải Dương, vào Sài Gòn lập nghiệp cách đây 8 năm. Năm 2012, anh lập gia đình, vợ là chị Đỗ Thị Thao (SN 1986, quê Đồng Nai) - cũng làm công nhân giày da. Một năm sau ngày cưới thì vợ Tường sinh con gái đầu lòng, đặt tên Phạm Đỗ Phương Linh; sau đó 2 năm thì sinh cháu thứ hai, tên Phạm Đỗ Phương Nhi.
Ngay sau khi vợ sinh con gái đầu lòng thì Tường đón mẹ vào, vừa được gần mẹ vì cha mất sớm, ngược lại cũng là mong bà chăm các cháu để vợ chồng có thời gian đi làm. Tuy cuộc sống khó khăn Tường và vợ đều chịu khó làm việc với hy vọng cuộc sống tương lai sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhưng những điều hằng mong ước chưa thấy đâu thì biến cố lại xảy ra với gia đình. “Con bé Phương Nhi hiếu động lắm. Ban đầu vợ chồng cũng chỉ là cháu chậm nói. Gần đây, mới chú ý nhiều khi có gọi cháu thì cháu không nghe thấy, không quay lại nhìn mình”, Tường kể.
Cuối tháng 10/2017, hai vợ chồng xin nghỉ làm, đưa Phương Nhi đi khám ở bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM). Kết quả, Nhi bị điếc sâu, phải phẫu thuật cấy ốc tai điện tử thì mới có hy vọng nghe nói được. Khi nghe tin con bị điếc, chị Thao xỉu ngay tại bệnh viện. Anh Tường phải vừa coi sóc con, lại phải vừa lo cho vợ.
Thương con. Mấy hôm liền, chị Thao chẳng ăn uống gì, cũng chẳng ngủ được. Ít hôm sau, khi đi làm thì chị lại xỉu ngay tại công ty, lại phải lên phòng y tế nằm. “Khi nghe tin con bị điếc tôi sốc quá. Vợ chồng tôi là công nhân biết lấy đâu ra số tiền đó chứ. ”, chị Thao buồn rầu nói.
Được biết, cách đây chừng nửa năm, chị Thao đi khám ở bệnh viện cũng được chẩn đoán bị bệnh, may mà không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ngày nào cũng phải uống thuốc. Bệnh tật của bản thân chưa chữa được thì bệnh của con như muốn đánh gục chị.
Anh Tường cho hay, cả hai vợ chồng sẽ cố hết sức để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Trong trường hợp không xoay xở đủ tiền thì cũng… đành chịu, dù trong tâm can anh chị chẳng hề muốn như vậy. “Nếu để có tiền chữa bệnh cho con thì tôi sẽ làm bất cứ chuyện gì. Miễn đó là công việc lương thiện”, Tường nói.
Từ hôm đi khám cho con về, vợ chồng thuê máy trợ thịnh để cho Phương Nhi đeo. Ban đầu khó chịu, cô bé cứ bứt ra. Nhưng dần dà rồi cũng quen. Giờ mà máy rơi ra thì lại chạy đến bảo cha lắp vào ngay. Anh Tường nhìn con, không cầm được nước mắt. Phương Nhi tinh nghịch, hiếu động lắm. Nó mới 2 tuổi thôi, đã biết gì đâu. Nếu không đủ tiền cho cho bé chữa bệnh thì sao? Chẳng ai dám nghĩ đến, dù khả năng đó là rất lớn.
“Nếu có ai thuê làm gì để làm em cũng làm hết”, Tường nhắc đi nhắc lại câu nói đó nhiều lần như để khẳng định quyết tâm chữa bệnh cho con của mình. Ngoài cửa, cô bé Phương Nhi vẫn tíu tít chạy nhảy, hồn nhiên, hai bên tai vẫn mang máy trợ thính.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về bệnh tình của Phương Nhi và hoàn cảnh của gia đình qua số điện thoại của anh Phạm Văn Tường - 096 990 8425. Gia đình anh Tường – chị Thao cũng rất mong nhận được sự góp sức từ các nhà hảo tâm nhằm chữa bệnh cho Phương Nhi. Mọi sự đóng góp của bạn đọc có thể gửi về số tài khoản ngân hàng của anh Phạm Văn Tường. Số tài khoản: 5590 205 737354 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). |