'Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em hiện quá hẹp'

24/06/2019 - 17:07
Sự mất an toàn phụ nữ và trẻ em ở nhiều hoàn cảnh, không gian đang ngày càng báo động khi số vụ bạo lực, xâm hại tình dục, dâm ô… ngày càng tăng, mức độ phức tạp. Chỉ ra những thực tế này, từ đó làm cơ sở để khuyến nghị chính sách cho sự an toàn của phụ nữ, trẻ em - đó là nội dung chính của cuộc Hội thảo do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì vào ngày 24/6 tại Hà Nội.

Báo động tình trạng mất an toàn với phụ nữ, trẻ em

Con số được Hội LHPN Việt Nam dẫn chứng khiến không ít người giật mình, khi chỉ riêng trong năm 2018, có tới gần 8.100 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình - chiếm hơn 85% tổng số nạn nhân bạo lực gia đình. Với trẻ em, gần 1.600 trẻ bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện. Trung bình mỗi ngày có 4,6 trẻ em bị xâm hại tình dục. Cùng với đó, ngày càng nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc và nơi công cộng, gây bức xúc dư luân.

Phát biểu tại buổi Hội thảo khoa học “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Khuyến nghị chính sách”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho rằng, tình trạng mất an toàn đang xảy ra với mức độ ngày càng tăng, ở nhiều địa điểm, không gian khác nhau.

 

ct.jpg
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: D.H 

 

Lấy đơn cử về không gian mất an toàn trên các phương tiện giao thông, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhận định, không gian an toàn trong giao thông rộng hơn rất nhiều so với những thực tế mà ta đang hiểu theo cách hiểu thông thường. Nghiên cứu mới đây nhất của TP.HCM cho thấy, xe bus là phương tiện mất an toàn hàng đầu cho phụ nữ và trẻ em gái. Cứ 10 phụ nữ được hỏi thì họ đều khẳng định đã thấy, chứng kiến việc người khác bị quấy rối tình dục trên xe bus.

Trong trường học, gia đình và các lĩnh vực khác cũng vậy. Với nhiều trường hợp cụ thể, cần cụ thể hóa được khái niệm không gian an toàn trong tất cả các môi trường để từ đó đề xuất chính sách. “Là tổ chức đại diện chăm lo bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em, chúng tôi mong đợi ở Hội thảo có nhiều đề xuất thiết thực, các nhà khoa học giúp chúng tôi thêm căn cứ, cũng như thực tiễn để tìm ra được các vấn đề về chính sách, từ đó đề xuất các chính sách phù hợp”, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.

 

ht1.JPG
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý các bộ, sở ban ngành. Ảnh: D.H 

Nói về điều này, GS.TS Lê Thị Quý, Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, cho rằng: Không gian an toàn giờ quá hẹp, khi mà trong gia đình thì bị người thân xâm hại, đến trường bị thầy giáo xâm hại, trên xe bus cũng bị quấy rối. Mới đây nhất là các vụ dâm ô, cưỡng bức trong thang máy gây bức xúc dư luận. “Chúng ta không thể coi thường vấn đề này được. Mặc dù hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, nhưng hoạt động của các tổ chức này không có nhiều hiệu quả như mong đợi. Khi có vụ việc xẩy ra, họ xử lý rất chậm, chờ đợi hoặc chồng chéo nhau và gần như trao trách nhiệm chính cho cơ quan công an”, bà Lê Thị Quý cho hay.

 

ht4.JPG
GS.TS Lê Thị Quý phát biểu. Ảnh: D.H 

Nữ giáo sư này nhấn mạnh, pháp luật khá nương tay cho kẻ phạm tội, đặc biệt là tội phạm dưới 18 tuổi, nhưng nhiều trường hợp đã chỉ rõ, bọn chúng không thực sự hối cải và cơ hội hoàn lương là rất khó. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang nhân đạo với kẻ thủ ác mà ít nhân đạo với nạn nhân và xã hội. “Mối đe dọa gia đình và xã hội vẫn cứ treo trên đầu những người dân lương thiện. Cần biết rằng, các vụ án được xử để lập lại kỷ cương, chuẩn mực cho xã hội chứ không phải chỉ xử cho các cá nhân, nên việc tòa án chịu ảnh hưởng của bãi nại là vô lý. Cần xử lý chính các ông quan tòa nếu họ xử oan sai cho người vô tội hoặc xử quá nhẹ cho bọn tội phạm”, GS Lê Thị Quý nói.

 

img_2550.JPG
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (bìa trái) trao đổi bên lề hội thảo với bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam (áo dài màu cam). Ảnh: D.H 

Những đề xuất

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA - khi đề xuất giải pháp, đã nhấn mạnh cần “đánh” vào chính “nồi cơm” của các đơn vị có mối quan hệ liên quan với phụ nữ, trẻ em. Bà từng tư vấn cho nhiều đơn vị thầu nước ngoài về vấn đề giới, bởi các nhà thầu này trước khi nộp hồ sơ thầu để được xét từ “vòng gửi xe”, họ phải đảm bảo điều kiện 100% cán bộ công nhân viên, lãnh đạo phải biết thế nào là bạo lực giới, bạo lực gia đình… Sẽ có bộ phận giám sát, khi phát hiện bất kỳ hành vi bạo lực giới nào trong cơ quan hoặc xung quanh thì sẽ đuổi việc và cắt thầu.

Một ví dụ khác từ IKEA - công ty về nội thất nổi tiếng tại Thụy Điển - với nội quy về cùng chặt chẽ liên quan đến bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Theo đó, Việt Nam vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để làm đại lý cho nhà máy của hãng, chỉ có công nhân gia công đồ gỗ thông qua đơn vị thầu. Tất cả những công nhân này đều phải ký một cam kết với công ty là nếu sử dụng lao động trẻ em, có bạo lực trẻ em, bạo lực giới thì họ sẽ bị cắt toàn bộ các đơn hàng.

 

van-anh.JPG
Bà Nguyễn Vân Anh đề xuất chính sách sát sườn để bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Ảnh: D.H 

“Đã đến lúc Việt Nam phải làm những việc này, thay vì chỉ nói về nỗi căm giận. Chúng ta nên nói về vấn đề chịu trách nhiệm. Với các doanh nghiệp vận tải, nên chăng trước khi cấp giấy phép cho công ty vận tải thì phải có điều kiện đảm bảo vấn đề về giới, hoặc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp muốn vào Việt Nam phải có các cam kết tương tự. Đây là “cơm áo gạo tiền” của người ta nên buộc người ta phải tham gia. Cắt đến “nồi cơm” thì mới có hiệu ứng. Ta đẩy trách nhiệm và sự tham gia của mỗi người liên quan đến quyền lợi trực tiếp của họ, chứ cứ bảo là cả hệ thống chính trị vào cuộc thì rất chung chung, rất khó!” - bà Vân Anh nhận định.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho rằng, cần tính đến không gian an toàn ở cả khía cạnh tinh thần, tâm lý lẫn không gian về vật chất. Ví dụ, các không gian thiếu an toàn gây đuối nước như bể bơi, ao hồ sông suối, việc cháy nổ trong chính nhà mình, thang máy không có camera… đều là những không gian hiện hữu về vật chất.

Cũng theo bà Thanh Hòa, để tạo ra an toàn căn cơ cho trẻ em, cần tính đề việc áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực trong gia đình. “Nghiên cứu cho thấy hơn 60% trẻ em đã từng bị ít nhất một hình thức bạo lực gia đình. Bố mẹ cho rằng con hư thì bị đánh, học kém thì bị mắng chửi. Một số tổ chức quốc tế nêu ra phương pháp kỷ luật tích cực. Tôi đề nghị Hội LHPN Việt Nam đề xuất Chính phủ nên có một chương trình kỷ luật tích cực để làm sao không có sự trừng phạt, bạo lực về thân thể đối với con cái”, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói.

 

thanh-hoa.JPG
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đề xuất ý kiến tại hội thảo. Ảnh: D.H
 

GS.TS Lê Thị Quý khẩn thiết đề nghị Quốc hội cần bổ sung nhanh và kịp thời những nội dung vào luật, làm rõ các khái niệm về dâm ô, xâm hại, quấy rối tình dục… song song với những hình thức xử phạt nặng hơn. Về phía gia đình, bà cho rằng sự thờ ơ của gia đình đối với trẻ cũng tiềm ẩn nguy cơ, đến khi xảy chuyện lại sợ mất danh dự của gia đình, tìm cách ém nhẹm đi gây bức xúc. “Tất cả chúng ta đều hiểu, một đứa bé bị như vậy sẽ hỏng cả một đời người khi mất niềm tin xã hội, người lớn, chỉ còn lại sự đau xót của đứa trẻ” - bà Quý nhấn mạnh.

Nữ giáo sư này cũng cho rằng để bảo vệ an toàn cho chính mình, chính phụ nữ cũng phải trách nhiệm hơn với bản thân, không nên ăn mặc hở hang, phô diễn thân thể lố lăng. Điều này không chỉ vi phạm thuần phong mỹ tục mà bản thân người phụ nữ không tạo ra không gian an toàn cho chính mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm