pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không muốn đi họp lớp để gặp cái “hội khoe khoang”
Hình minh họa
Hôm qua, cô nhận được thông báo đi họp lớp cấp 3 từ bạn lớp trưởng. Cô trả lời ngay: "Tớ có việc bận rồi nên sẽ không tham gia được đâu!". Lớp trưởng cố gắng thuyết phục: "Cậu thu xếp công việc đi, gặp bạn bè cho vui, hình như 2 năm rồi cậu chưa tới họp lớp đâu, mọi người đều rất nhớ cậu!". Cô chẳng biết nên trả lời bạn ấy như thế nào.
Có đôi lúc, cô cũng nhớ lại thời đi học cấp 3, mong được trở lại thời thanh xuân hồn nhiên, không lo âu muộn phiền đó. Nhưng nhớ lại cảnh họp lớp của mấy năm trước, cô lại không muốn đi nữa. Nghe mọi người nói thì hay lắm. Nào là họp lớp để tăng tình đoàn kết, gặp nhau vì tình thương mến, kể chuyện xưa, quên đi sầu não… Hay kiểu, lớp chúng mình khi họp lớp gặp nhau thì người thành đạt cũng như người chưa thành công, người giàu sang đi 4 bánh hay vẫn đi xe đạp điện đều không có sự phân biệt đẳng cấp, vì chúng ta là bạn cũ… Nhưng sự thật là, sau khi ra trường hơn 10 năm, với thâm niên đi họp lớp 5-7 lần thì bây giờ, cô không còn muốn đi nữa.
Lúc mới chia tay nhau, việc tụ tập gặp nhau còn khá vui vẻ. Từ 1 đến 5 năm sau ngày ra trường, mọi người thường nói về việc ra trường học gì, đã tìm được việc chưa? "Bồ của mày thế nào?", "Nó đã lấy chồng đẻ 2 con rồi cơ đấy!"… Nhưng càng về sau, chủ đề ngày càng phân hóa, thiên về khoe khoang hơn là thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Điều này khiến những người chưa đạt được thành quả gì như cô cảm thấy không thích nghi được câu chuyện. Nhìn lại bản thân sau hơn 10 năm ra trường, cô vẫn là 1 nhân viên hàng ngày cặm cụi đi làm, ngập đầu trong những "deadline" và rối bù trong những mối quan hệ phức tạp ở công ty. Về gia đình thì người yêu chưa có, cô đã vật vã với 2 mối tình, một mình ôm những đau đớn và tổn thương… Nhìn lại bản thân, đôi khi cô cảm thấy mình thất bại. Cũng không phải là do ghen tị với mọi người nhưng khi đi họp lớp, thấy các bạn người nào cũng có vị trí, thành công nhất định, tự nhiên thấy mình nhỏ bé. Ngay cả cái đứa trước toàn sao chép bài của cô bây giờ cũng đã mua ô tô, còn cái đứa học dốt nhất lớp giờ cũng đã làm Giám đốc…
Họp lớp được vài năm thì sự phân cấp ngày càng rõ rệt, cô nghĩ những ai giống như cô sẽ bị tủi thân, chạnh lòng mà dần rời đi. Chỉ những ai thành công mới tiếp tục muốn đi gặp gỡ để khoe với đứa nọ, đứa kia những gì đã đạt được. Vì vậy, 2 năm nay cô không còn muốn tham gia họp lớp nữa.
Cô hỏi Thanh Tâm xem như vậy cô có ích kỉ quá hay không? Cô thấy bạn lớp trưởng nhắn tin rất nhiệt tình để khuyến khích cô đi họp lớp. Có lẽ bạn ấy cũng phải dành thời gian như vậy để nói với nhiều người khác. Cô có nên suy nghĩ lại về việc đi họp lớp không, cô thấy thương bạn lớp trưởng.
Thanh Tâm chia sẻ với cảm xúc của cô. Ai cũng có quyền buồn hay vui về bản thân, cảm thấy tủi thân hay tự hào về những gì đã trải qua trong cuộc sống. Trong một tập thể, không phải ai cũng là bạn thân để chia sẻ với cô mọi muộn phiền, khiến cô cảm thấy lạc lõng trong một số nhóm bạn. Nếu cảm thấy không thoải mái, cô có thể không tham gia họp lớp thường xuyên. Nhưng Thanh Tâm mong cô hãy yêu từng khoảnh khắc cuộc sống của mình, lúc đó cô sẽ không bị tác động bởi xung quanh. Chỉ cần cô luôn cố gắng làm việc hết sức, chỉ cần cô mở lòng với các mối quan hệ, chỉ cần cô thấy trân trọng những gì mình đang có thì cô sẽ không còn cảm giác thua kém ai và gặp lại bạn cũ một cách thoải mái.