Không phải cứ hiền, nhường nhịn, cho qua là có hôn nhân hạnh phúc

ĐX
15/07/2020 - 16:30
Không phải cứ hiền, nhường nhịn, cho qua là có hôn nhân hạnh phúc
Thu Thủy (Nam Định) đã từng nghĩ là vợ chồng thì san sẻ về kinh tế, đừng đặt gánh nặng tài chính lên vai chồng mới có 1 cuộc hôn nhân lâu bền. Điều đó không có gì sai nhưng chuyện của Thủy thì...

Thủy tự nhận cô không phải là người phụ nữ kiểu đòi hỏi, cho rằng đàn ông phải mang vai ra mà gánh cả thế giới. Biết nghĩ cho chồng là thế nhưng Thủy cuối cùng vẫn phải cay đắng nhận ra thất bại của mình khi cùng lúc người đàn ông của cô và mẹ chồng hùa nhau trách móc, thậm chí "vu vạ" cho cô.

Thủy kể: "Mình là người biết thương chồng, vì mình đã từng nhận thấy sự khổ sở của anh trai mình khi chị dâu luôn cho rằng trách nhiệm tài chính thuộc về anh ấy. Anh ấy đã than rất mệt mỏi. Vì thế, ngay từ đầu thiết lập cuộc hôn nhân này, vợ chồng mình đã bàn bạc và đi đến thống nhất về tài chính. Đó là việc trong nhà mình lo, việc ngoài nhà chồng lo. Mình lo đi chợ, nấu ăn, trả các hóa đơn ở nhà. Còn chồng lo tiền học cho con cái và các khoản đối nội, đối ngoại, mua sắm, ăn uống bên ngoài. Thế nhưng, dù thỏa thuận ban đầu như thế, nhưng chồng mình lại luôn tỏ vẻ dằn hắt 'tiền ăn cô chi đáng gì'. Mình cũng chỉ cười...".

Bài học hôn nhân 3 chữ khi chồng cằn nhằn "tiền ăn cô chi đáng gì" nhưng đến lúc nhìn thấy tờ hóa đơn thì biểu cảm lại cực khó tả - Ảnh 1.

Thủy không thích đôi co, nói là 1 chuyện nhưng đã thỏa thuận rồi cứ thế mà làm. Mẹ chồng Thủy đôi lúc tới chơi, biết chuyện cũng bóng gió: "Chi tiêu cuộc sống mới tốn, chứ ăn uống đáng mấy". Thủy cũng không muốn tranh cãi với người lớn.

Thế nhưng, Thủy lại vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa mẹ chồng và chồng như thế này:

- Mẹ cũng nói rồi đấy mà nó vẫn im. Mày muốn cứ nói thẳng với nó đổi vai xem sao.

- Con chán lắm rồi, đi làm cũng như nhau mà cô ta nhận ngay khoản chi tiêu ít, đổ trách nhiệm lên vai con. Mấy lần con cũng nói, cô ta có cãi được câu nào đâu. Chắc giữ tiền làm quỹ đen mang về cho nhà ngoại.

Đến câu này thì Thủy cố tình bước vào. Cô hỏi chồng rằng anh ta vừa nói gì thì chồng Thủy ngang nhiên nhắc lại câu vừa nói như thế. Thủy liền đồng ý đổi vai, để cho chồng lo những khoản cô chi hàng tháng.

Rồi chỉ mới được vài ngày chồng Thủy đã hét toáng lên những câu đại ý thế này: Giá thịt lợn giờ đắt thế sao? Cái Chi ăn được nguyên cả 1 con gà ư? Tiển sữa sao tốn thế? Hóa đơn điện kinh khủng vậy ư? (khi để mắt đến tờ hóa đơn tháng trước)... Và câu hỏi cuối cùng là: Sao em không nói với anh?

Bài học hôn nhân 3 chữ khi chồng cằn nhằn "tiền ăn cô chi đáng gì" nhưng đến lúc nhìn thấy tờ hóa đơn thì biểu cảm lại cực khó tả - Ảnh 2.

Thủy bức xúc kể tiếp: "Đến khi đó mình mới nói lý do vì sao mình nhún nhường là vì mình thương đàn ông, thương các ông chồng. Lúc trước mình nghĩ có nói ra anh ấy cũng không hiểu. Chuyện dăm ba đồng bạc nói qua nói lại thành mất cả cái hay của vợ chồng. Mình đã nhân nhượng khá nhiều lần và để anh ta cưỡi lên cổ mình cũng cho qua. Càng thương anh ta càng không hiểu. Thấy mình hiền anh ta được thể lấn lướt. Anh ta không hiểu 2 đứa con của anh đang độ tuổi ăn, tuổi lớn, chúng ăn uống còn hơn sức người lớn nhiều.

Đến giờ thì anh ta biết điều rồi, ngoan như cún, cũng không dám càm ràm gì nữa. Hôm đó mình buộc phải lên tiếng là vì anh ta động chạm đến nhà mình. Bố mẹ mình cho các cháu còn chưa kịp cảm ơn thì thôi mà đổ oan cho ông bà mình mới phải lên tiếng. Kinh nghiệm của mình là phụ nữ biết điều khác với nhu nhược, hiền lành. Với các ông chồng không biết điều thì thực sự phụ nữ phải KHÔNG ĐƯỢC HIỀN. Mình rút kinh nghiệm sau này có gì nói thẳng, muốn nhà cửa ấm êm không có nghĩa cứ là NHỊN ĐI hoặc CHO QUA".

Ngẫm kĩ thì câu nói cuối của Thủy đúng là có thể áp dụng cho mọi cuộc hôn nhân thật. Phụ nữ cũng nên biết điều, đừng có nghĩ rằng mình là phái yếu, là phụ nữ mà cần được che chở rồi vô tình đẩy áp lực lên người đàn ông mình yêu. Ấy thế nhưng, biết điều khác với nhẫn nhịn và hiền lành. Hơn nữa, cái gì thấy có vết hổng phải tìm cách chữa ngay bằng giải thích, đấu tranh và cho anh ta thấy. Như thế mới tránh được những tình trạng bùng nổ không đáng có vì đàn ông cứ nghĩ rằng vợ mình hiền mà được thể lấn tới.

Bài học hôn nhân 3 chữ khi chồng cằn nhằn "tiền ăn cô chi đáng gì" nhưng đến lúc nhìn thấy tờ hóa đơn thì biểu cảm lại cực khó tả - Ảnh 3.

Thủy nói: "Từ giờ mình sẽ không làm người vợ hiền nữa. Hiền với bụt, chứ không thể hiền với ma. Cứ cố gắng, nhẫn nhịn, hiểu chuyện, biết điều, cuối cùng thì kết quả thê thảm thế đấy".

Hôn nhân không có nghĩa là mình biết điều ắt đối phương sẽ biết nghĩ. Càng không có nghĩa là mình nhẫn nại đối phương sẽ tự hiểu. Hôn nhân cần bình đẳng nhưng không phải ai cũng "lớn rồi tự biết". Nếu cần thì cũng phải dạy dỗ nhau 1 chút nhưng mấu chốt của vấn đề là phải đối thoại, không phải nhẫn nhịn. Và phụ nữ nhớ nhé, biết điều là tốt nhưng nhất định không được hiền để đừng ai có thể bắt nạt được mình, kể cả chồng. Không phải lo thiệt mà lo nhất là những lỗ hổng hôn nhân không được vá kịp thời được tạo nên từ thái độ hiền lành, nhẫn nhịn của những người phụ nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm