Không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ không được thu gom

Phúc Nguyên
24/10/2020 - 14:32
Không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ không được thu gom

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chú trọng hành vi phân loại rác thải trong hộ gia đình. Ảnh minh họa: Trường Hùng

Đây là một trong những nội dung được lấy ý kiến ĐBQH khi thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào sáng nay (24/10). Theo đó, các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải có quyền từ chối gom thu, vận chuyển chất thải sinh hoạt nếu các hộ gia đình không phân loại rác.

Báo cáo giải trình, tiếp thu Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào sáng nay (24/10) tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, dự luật đã quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh.

Tại điều 78 của dự thảo luật còn quy định, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 76 Luật này.

Hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Không phân loại rác thải, sẽ không được gom thu - Ảnh 1.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sáng 24/10. Ảnh: Quochoi.vn

Cũng liên quan đến quản lý rác thải, ông Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rà soát các quy định về kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi...

"Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương", ông Dũng cho biết.

Theo đó, tại điều 76, chất thải rắn được phân chia thành 3 loại: Loại có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.

Dự thảo cũng đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

Lộ trình thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024 như tại khoản 9 Điều 80 Dự thảo luật.

Cũng tại Điều 80 Dự thảo luật quy định, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, còn chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được quản lý như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm